Trong khi cả thế giới vẫn đang loay hoay tìm cách kiềm chế sự lây lan của biến thể Delta, thì lại xuất hiện thêm một biến thể mới của virus Corona với tên gọi Delta plus – với tốc độ lây lan được dự báo là còn nhanh hơn biến thể Delta. Câu hỏi đặt ra là liệu các vaccine COVID-19 hiện nay có còn công hiệu với các biến thể mới?
Virus Corona sẽ liên tục biến đổi!
Đó là lời khẳng định của tiến sĩ Mark Schleiss – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trẻ em của Viện Virus Phân tử tại trường Đại học Minnesota, Mỹ.
SARS-CoV-2 là virus dạng RNA – một tập hợp của các vật chất di truyền được giữ bên trong lớp vỏ protein. Thông thường, các virus RNA – như cúm hoặc sởi – dễ đột biến hơn so với virus dạng DNA (như herpes, đậu mùa hay virus HPV).
“Trong thế giới của virus RNA, sự biến đổi là bình thường. Chúng tôi tin rằng virus RNA sẽ thay đổi thường xuyên. Đó là bản chất của chúng.” – tiến sĩ Mark Schleiss Khẳng định
Cũng vì lẽ đó mà các nhà khoa học hoàn toàn không bất ngờ trước những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Kể từ khi xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019, cho đến nay virus Corona đã xuất hiện 4 chủng mới gồm Alpha, Beta, Delta và Gamma.
Virus Corona biến đổi như thế nào?
Khi virus xâm nhập vào tế bào cơ thể vật chủ, chúng sẽ sử dụng enzyme polymerase để sao chép các vật liệu di truyền (RNA), giúp tạo ra các virus mới. Và sau đó các virus mới này lại được giải phóng khỏi tế bào chủ và lây nhiễm sang các tế bào khác.
Tuy nhiên quá trình sao chép vật liệu di truyền không phải lúc nào cũng hoạt động trơn tru và đôi khi có thể xảy ra sai sót. Điều này có thể dẫn tới hiện tượng đột biến ở virus. Các đột biến này có thể có lợi hoặc có hại đối với virus.
Khi các đột biến có hại, chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm hoặc nhân lên của virus trong tế bào chủ. Nhờ vào chọn lọc tự nhiên, các đột biến có hại thường không tồn tại lâu.
Nhưng khi một đột biến mang lại lợi thế cho virus mới, nó có thể cho phép virus liên kết chặt chẽ hơn với tế bào chủ hoặc giúp nó thoát khỏi hệ thống miễn dịch. Khi điều này xảy ra, những virus đột biến hoặc biến thể này sẽ trở nên phổ biến hơn trong một quần thể. Đây là những gì chúng ta đang thấy với các chủng biến thể mới của SARS-CoV-2.
Vaccine COVID-19 liệu có thể bảo vệ chúng ta trước các biến chủng mới?
Khi một biến thể mới xuất hiện, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ để xem cách thức lây lan như thế nào và khả năng kháng miễn dịch của chúng. Bất kỳ biến thể nào có lợi thế vượt trội – tức là dễ lây truyền hơn hoặc tránh được vaccine – có thể sẽ bắt đầu chiếm ưu thế, như biến thể Delta ban đầu đã làm.
“Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là liệu các biến thể mới có thể tránh được khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra hay không – và hiện vẫn chưa có bằng chứng thực tế nào cho thấy điều đó” – tiến sĩ, bác sĩ Perry Wilson tại trường Y khoa Yale cho hay.
Thực tế, các nhà khoa học nhận định rằng virus SARS-CoV-2 đang biến đổi với tốc độ rất chậm, và các đột biến mới không quá khác biệt so với virus gốc. Do đó, rất khó để một chủng virus đột biến có thể khiến vaccine hoàn toàn trở nên vô hiệu.
Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ nó tới bạn bè và người thân của bạn nhé. Và cũng đừng quên theo dõi chuyên mục Sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn để trang bị những kiến thức hữu ích giúp bảo vệ bản thân và gia đình nha.