Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm bàng quang là một trong những bệnh viêm đường tiết niệu thấp. Đó là nhóm bệnh lý thường gặp nhất trong cộng đồng và có thể thấy ở mọi lứa tuổi. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu để biết viêm bàng quang là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao nhé!

Viêm bàng quang là gì?

Viêm bàng quang thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu dưới, tổn thương giới hạn ở bàng quang. Người bệnh thường đau đớn, khó chịu, nếu được chữa trị kịp thời thì sẽ không có gì đáng ngại, nhưng để bệnh phát triển ở giai đoạn muộn khi yếu tố gây viêm lan đến thận sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Phụ nữ có nguy cơ viêm bàng quang cao hơn so với nam giới, thực tế các khảo sát cho thấy rằng có khoảng 40-50% phụ nữ bị bệnh viêm bàng quang ít nhất một lần hoặc nhiều hơn thế.

Do đặc điểm giải phẫu, phụ nữ có nguy cơ mắc viêm bàng quang cao hơn nam giới (Nguồn: Internet).

Nguyên nhân gây viêm bàng quang và các yếu tố thuận lợi

Nhiễm trùng bàng quang xảy ra khi vi trùng đi qua niệu đạo xâm nhập vào đường tiết niệu của cơ thể rồi nhân lên, sinh sản ở bàng quang. Những người hay mắc viêm bàng quang thường do các yếu tố sau:

  • Phụ nữ mắc viêm bàng quang nhiều hơn nam giới: Lỗ niệu đạo của phụ nữ nằm gần hậu môn nên có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Ngoài ra, giới nữ có niệu đạo ngắn hơn, thẳng hơn so với nam, vậy vi trùng dễ dàng di chuyển lên bàng quang hơn.
  • Phụ nữ sau khi quan hệ tình dục: Trong quá trình quan hệ tình dục, niêm mạc niệu đạo có thể bị tổn thương nên vi trùng dễ xâm nhập hơn.
  • Phụ nữ sau mãn kinh: Bước vào giai đoạn mãn kinh, Estrogen nội sinh sụt giảm, niêm mạc bàng quang, niệu đạo của phụ nữ biến đổi mỏng hơn so với trước đây. Điều đó tạo thuận lợi cho vi trùng đi vào bàng quang.
  • Các bệnh lý về thận, bàng quang đã mắc từ trước: Thận đa nang, bàng quang- niệu quản phụt ngược dòng,…
  • Có tiền sử can thiệp phẫu thuật đường tiết niệu
  • Nam giới phì đại tiền liệt tuyến: Tiền liệt tuyến to hơn bình thường cản trở sự lưu thông của nước tiểu.
  • Các bệnh suy giảm miễn dịch toàn cơ thể: Đái tháo đường, HIV,…
  • Sử dụng các thuốc, hóa chất làm giảm khả năng miễn dịch: Thuốc điều trị ung thư, dùng cortison mạn tính,…

Triệu chứng viêm bàng quang không quá khó để nhận biết (Nguồn: Internet).

Triệu chứng viêm bàng quang

Trên lâm sàng, yếu tố viêm kích thích bàng quang, gây nhiều khó chịu cho người bệnh, các triệu chứng không quá khó để nhận biết. Người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều dấu hiệu trong số các triệu chứng sau đây tùy tình trạng bệnh.

  • Buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần.
  • Đái buốt: Người bệnh cảm thấy bỏng rát hoặc đau vùng niệu đạo mỗi khi đi tiểu.
  • Đái rắt: Đi tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần số lượng nước tiểu rất ít, cảm giác “còn buồn”.
  • Có máu trong nước tiểu: Nước tiểu có thể màu hồng nhạt hoặc hồng đậm, máu có thể ở đoạn cuối khi đi tiểu gần hết hoặc cả bãi.
  • Nước tiểu có thể mùi hôi và màu đục như mủ.
  • Bụng dưới đau tức.

Ngoài các dấu hiệu mà chính người bệnh cảm nhận được, để chẩn đoán viêm bàng quang còn phải dựa vào các yếu tố cận lâm sàng, các xét nghiệm thực tế. Người ta thường dùng xét nghiệm cấy nước tiểu để tìm vi khuẩn và thấy bạch cầu tăng.

Ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ cũng phải dựa vào các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác viêm bàng quang (Nguồn: Internet).

Điều trị viêm bàng quang thế nào?

Viêm bàng quang nếu phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể điều trị khỏi nhanh chóng mà không quá phức tạp. Nhưng nếu để muộn gây tổn thương lan tới thận thì lại vô cùng nguy hiểm. Cần đặc biệt chú ý đối với trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai.

Để điều trị nhiễm trùng thì hướng đơn giản và hiệu quả nhất là dùng kháng sinh. Trong đó các loại kháng sinh hiện nay dùng nhiều nhất với viêm tiết niệu là nhóm quinolon, beta-lactamin, nitrofurantoin, trimetoprim-sulfamethoxazol hay aminoglycosid. Thực tế thì dùng kháng sinh nào, dùng một nhóm hay phối hợp còn phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh. Bạn cần chú ý phải dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Về cơ bản với những đối tượng nhiễm trùng bàng quang mà không có biến chứng thì có thể khỏi hết triệu chứng sau 3 ngày, dài hơn là 1 tuần. Với phụ nữ mang thai việc điều trị cần chú ý nhiều hơn, thời gian khoảng từ 7 – 10 ngày.

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do vấn đề quan hệ tình dục, có thể điều trị và dự phòng bằng cách sau mỗi lần quan hệ sẽ dùng kháng sinh theo chỉ định.

Trường hợp có > 3 lần mắc bệnh trong một năm, thời gian để điều trị cần dài hơn khi đã hết triệu chứng vẫn cần tiếp tục dùng thêm những đợt kháng sinh ngắn ngày để phòng tái phát.

Nếu phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm, các triệu chứng sẽ biến mất nhanh chóng (Nguồn: Internet).

Nếu bệnh diễn biến xấu đi trở thành mãn tính hoặc tái phát quá nhiều lần, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để tìm các nguyên nhân gây bệnh khác hoặc theo dõi sự bất thường giải phẫu của đường tiết niệu mà bị bỏ qua và chưa được phát hiện trước đó.

Lưu ý để phòng tránh viêm bàng quang

Việc phòng tránh viêm bàng quang không quá khó để thực hiện, chỉ cần bạn chú ý những điều sau trong lối sống, sinh hoạt hằng ngày:

  • Khi buồn tiểu thì đi tiểu ngay, không nên nhịn tiểu.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày. Ít nhất 2 lít/ngày.
  • Khi quan hệ tình dục xong nên đi tiểu ngay tránh có vi trùng xâm nhập qua niệu đạo ngược lên bàng quang.
  • Khi đi đại tiện hay tiểu tiện, lau giấy vệ sinh từ trước ra sau tránh cho vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo.
  • Không dùng các loại sản phẩm xịt thơm hay vòi xịt mạnh khiến tổn thương niêm mạc niệu đạo.

Uống đủ nước mỗi ngày có rất nhiều lợi ích bạn không ngờ tới (Nguồn: Internet).

Với bài viết trên đây Kinhnghiem360.edu.vn hi vọng đã gửi tới bạn đọc những thông tin về bệnh viêm bàng quang. Viêm bàng quang là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị như thế nào. Đừng quên tiếp tục ghé thăm Bloganchoi.com để cập nhật thêm nhiều tin tức hữu ích nữa nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *