Viêm khớp là một rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến các khớp. Nó có thể gây đau và viêm, khiến bạn khó di chuyển, vận động. Có nhiều loại viêm khớp, mỗi dạng gây ra triệu chứng khác nhau và cần phương pháp điều trị khác nhau. Viêm khớp thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi, nhưng trong nhiều trường hợp cũng có thể ảnh hưởng đến nam nữ ở mọi lứa tuổi khác.
Viêm khớp là gì?
Viêm khớp là bệnh ảnh hưởng đến khớp – nơi các xương gặp nhau và tạo khả năng vận động cho cơ thể. Viêm khớp thường liên quan đến tình trạng viêm hoặc thoái hóa của khớp. Những thay đổi này có thể gây đau khi vận động khớp.
Viêm khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây tàn tật ở Mỹ. Khoảng 50 triệu người lớn và 300.000 trẻ em ở nước này đang mắc phải viêm khớp ở một dạng nào đó. Những vùng trên cơ thể thường bị viêm khớp nhất là:
- Chân
- Tay
- Hông
- Đầu gối
- Lưng dưới
Khớp gồm những bộ phận nào?
Các khớp được đệm và hỗ trợ bởi các mô mềm giúp xương không cọ xát vào nhau. Một loại mô liên kết được gọi là sụn khớp đóng vai trò quan trọng, giúp các khớp vận động trơn tru mà không bị ma sát hay đau nhức.
Một số khớp có màng hoạt dịch, đó là túi đệm chứa chất lỏng giúp bôi trơn khớp. Nhiều khớp được hỗ trợ bởi gân và dây chằng. Gân giúp kết nối cơ với xương, trong khi dây chằng kết nối xương với các xương khác.
Các loại viêm khớp
Viêm khớp là một thuật ngữ rộng mô tả hơn 100 vấn đề khác nhau về khớp. Các loại viêm khớp phổ biến nhất bao gồm:
- Viêm xương khớp hay còn gọi là viêm khớp “hao mòn”, xuất hiện khi sụn khớp bị tổn thương do căng thẳng lặp đi lặp lại. Đây là dạng viêm khớp phổ biến nhất.
- Viêm cột sống dính khớp, hoặc viêm khớp cột sống (thường ở vùng lưng dưới).
- Viêm khớp vị thành niên (JA), một chứng rối loạn trong đó hệ miễn dịch tấn công các mô xung quanh khớp. JA thường ảnh hưởng đến trẻ em từ 16 tuổi trở xuống.
- Bệnh gút (gout), căn bệnh tạo ra các tinh thể cứng của axit uric hình thành trong các khớp.
- Viêm khớp vẩy nến, viêm khớp phát triển ở những người bị bệnh vẩy nến (một dạng rối loạn tự miễn dịch gây kích ứng da).
- Viêm khớp dạng thấp, căn bệnh khiến hệ miễn dịch tấn công lớp màng hoạt dịch bên trong khớp.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm khớp?
Các loại viêm khớp khác nhau có những nguyên nhân khác nhau, ví dụ bệnh gút xuất hiện khi có quá nhiều axit uric trong cơ thể. Nhưng đối với các loại viêm khớp khác, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết rõ. Bạn sẽ có nguy cơ bị viêm khớp nếu:
- Tiền sử gia đình có người bị viêm khớp
- Làm một công việc hoặc chơi một môn thể thao nào đó gây căng thẳng lặp đi lặp lại cho khớp
- Mắc một số bệnh tự miễn dịch hoặc nhiễm virus
Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp là gì?
Một số yếu tố làm tăng khả năng bị viêm khớp, bao gồm:
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh viêm khớp càng tăng khi bạn già đi
- Lối sống: Hút thuốc hoặc lười vận động có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp
- Giới tính: Hầu hết các loại viêm khớp phổ biến hơn ở phụ nữ
- Cân nặng: Béo phì gây thêm căng thẳng cho các khớp, có thể dẫn đến viêm khớp.
Các triệu chứng của viêm khớp
Các loại viêm khớp khác nhau có các triệu chứng khác nhau. Tùy thuộc vào cơ địa và mức độ bệnh, triệu chứng của người bệnh có thể nặng nhẹ không giống nhau. Cảm giác khó chịu ở khớp có thể xuất hiện và biến mất từng đợt, hoặc có thể kéo dài liên tục. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau nhức
- Đỏ
- Tê cứng
- Sưng tấy
- Ấn thấy đau
- Nóng rát
Chẩn đoán viêm khớp như thế nào?
Nếu nghi ngờ mình bị viêm khớp hoặc có các yếu tố nguy cơ, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và đánh giá mức độ cơn đau khớp ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, từ đó thực hiện khám chi tiết bao gồm:
- Đánh giá khả năng vận động và phạm vi chuyển động của các khớp
- Kiểm tra các vùng bị đau hoặc sưng tấy quanh khớp
- Khám tổng thể để xem liệu có nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng đó hay không
Chẩn đoán hình ảnh phát hiện viêm khớp
Chẩn đoán hình ảnh có thể giúp bác sĩ có cái nhìn rõ ràng về xương, khớp và mô mềm của bạn. Chụp X-quang, MRI hoặc siêu âm có thể cho thấy tình trạng:
- Gãy xương hoặc trật khớp có thể gây đau khớp
- Tổn thương sụn xung quanh khớp
- Chấn thương cơ, dây chằng hoặc gân ở gần khớp
- Viêm mô mềm
Xét nghiệm máu có thể phát hiện viêm khớp không?
Không có xét nghiệm máu nào có thể trực tiếp phát hiện được viêm khớp. Nhưng nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh gút hoặc viêm khớp dạng thấp, họ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để tìm axit uric hoặc các protein gây viêm.
Điều trị viêm khớp như thế nào?
Không có cách chữa khỏi hoàn toàn viêm khớp, nhưng có những phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh. Kế hoạch điều trị của từng người sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp, các triệu chứng cụ thể và sức khỏe tổng quát.
Phương pháp điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) bao gồm:
- Thuốc uống: Thuốc chống viêm và giảm đau có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp. Một số loại thuốc đặc trị nhắm vào phản ứng viêm của hệ miễn dịch. Bác sĩ điều trị có thể kê đơn thuốc này cho bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp vảy nến.
- Vật lý trị liệu: Phục hồi chức năng có thể giúp cải thiện sức mạnh, phạm vi vận động và khả năng vận động tổng thể. Các bác sĩ trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh điều chỉnh các hoạt động hàng ngày để giảm đau khớp.
- Thuốc tiêm: Tiêm cortisone có thể giúp tạm thời giảm đau và giảm viêm ở khớp. Ở một số khớp nhất định, chẳng hạn như đầu gối, có thể cải thiện bằng một phương pháp điều trị gọi là bổ sung chất nhờn để giúp các khớp vận động trơn tru.
Bệnh viêm khớp có cần phẫu thuật không?
Bác sĩ thường chỉ đề nghị phẫu thuật cho một số trường hợp viêm khớp nặng, không thể cải thiện khi điều trị bảo tồn. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
- Hợp nhất khớp: Hai hoặc nhiều xương được hợp nhất vĩnh viễn với nhau. Hợp nhất làm bất động khớp và giảm đau do cử động.
- Thay khớp: Khớp bị hư hỏng được thay thế bằng khớp nhân tạo, bảo tồn chức năng và cử động của khớp. Ví dụ như thay mắt cá chân, thay hông, thay đầu gối và thay vai.
Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh viêm khớp?
Vì không có cách chữa khỏi bệnh hoàn toàn nên hầu hết người bệnh phải điều trị trong suốt phần đời còn lại của mình. Bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp điều trị để giảm triệu chứng.
Một trong những nguy cơ lớn nhất gây viêm khớp là ít hoạt động thể chất. Nếu bạn đau khớp do ít vận động thì khả năng cao cũng có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường và các bệnh nghiêm trọng khác. Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp bằng cách:
- Tránh các sản phẩm thuốc lá
- Tập những bài thể dục ít va chạm, không chịu trọng lượng quá nặng
- Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý
- Tránh các hoạt động dễ làm chấn thương khớp
Thời tiết làm cho tình trạng viêm khớp trở nên tồi tệ hơn?
Một số người cảm thấy viêm khớp trở nên tồi tệ hơn trong một số loại thời tiết nhất định. Trời ẩm và lạnh là 2 tác nhân phổ biến gây đau khớp.
Có nhiều lý do giải thích điều này. Mọi người có xu hướng ít hoạt động hơn vào mùa mưa và mùa đông, ngoài ra lạnh và ẩm ướt cũng có thể làm cứng khớp và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm. Các giả thuyết khác cho rằng áp suất của không khí xung quanh chúng ta có thể ảnh hưởng phần nào đến bệnh viêm khớp.
Nếu bạn thấy rằng một số loại thời tiết nhất định làm cho tình trạng viêm khớp trở nên tồi tệ hơn thì hãy tìm gặp bác sĩ để điều trị giảm bớt các triệu chứng. Mặc quần áo ấm, tập thể dục hoặc sử dụng liệu pháp nhiệt (giữ ấm) có thể giúp giảm đau.
Tổng kết
Viêm khớp là một bệnh ảnh hưởng đến khớp, có nhiều loại khác nhau, tất cả đều có thể gây đau và giảm khả năng vận động. Một số dạng viêm khớp là kết quả do hao mòn tự nhiên, các loại khác do bệnh tự miễn dịch hoặc tình trạng viêm nhiễm.
Có nhiều phương pháp điều trị viêm khớp, từ vật lý trị liệu hoặc vận động đến phẫu thuật. Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và đề xuất kế hoạch điều trị phù hợp với nhu cầu của từng người.
Nhớ theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật tin tức về sức khỏe nhé!