Viêm tiểu phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Vào mùa đông xuân, trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Viêm tiểu phế quản là một bệnh nặng không hiếm gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển thành viêm phổi hay tử vong do đường thở bị chít hẹp, dẫn đến ngạt thở. Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng của viêm tiểu phế quản ở trẻ em và cách điều trị hiệu quả nhé!

Viêm tiểu phế quản là bệnh lý của đường hô hấp dưới thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi. Nhiều người thường nhầm lẫn viêm tiểu phế quản với viêm phế quản và viêm phổi, tuy nhiên cần phải hiểu đúng rằng đây là 3 bệnh lý khác nhau. Các bệnh khác nhau về vị trí tổn thương, biểu hiện lâm sàng và hướng điều trị. Ở đây, hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu để biết rõ hơn về bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em nhé!

Viêm tiểu phế quản là bệnh phổ biến tổn thương đường hô hấp dưới ở trẻ em (Nguồn: Internet).

Đối tượng nào thường mắc bệnh viêm tiểu phế quản?

  • Trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, thường từ 6 đến 18 tháng. Trẻ lớn hơn 2 tuổi ít khi viêm tiểu phế quản, nếu có thường là thể nhẹ.
  • Trẻ nhỏ hơn 6 tháng thường mắc bệnh nặng hơn bình thường, nếu trẻ dưới 3 tháng mắc viêm tiểu phế quản chắc chắn phải điều trị nội trú tại viện.
  • Trẻ không được bú mẹ đầy đủ.
  • Trẻ đẻ non, thiếu tháng.
  • Môi trường sống ô nhiễm, độc hại, ẩm thấp.
  • Mắc một số bệnh từ trước như loạn sản phổi, xơ nang, suy giảm miễn dịch,…

Nguyên nhân gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em

Năm 1940-1941, hai nhà khoa học người Anh và Mỹ là Newns và Adasm lần đầu tiên phát hiện ra nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản là do virus. Những năm sau đó, các nghiên cứu khác ra đời tiếp tục chứng minh tính đúng đắn của nhận định này.

90% viêm tiểu phế quản ở trẻ do virus hợp bào hô hấp (Nguồn: Internet).

90% trường hợp thủ phạm gây bệnh là virus hợp bào hô hấp (Respiratory syncitial virus – RSV), sau đó các nhà khoa học đã tìm kiếm thêm một vài tác nhân khác như Adeno virus, Entero virus,…Trẻ em lớn hơn 3 tuổi mắc viêm tiểu phế quản thường do một vài vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma, Chlammidia,…tuy nhiên triệu chứng thường nhẹ.

Rất nhiều người nhầm lẫn rằng con đường truyền bệnh của viêm tiểu phế quản là đường không khí. Thực tế thì virus hợp bào hô hấp lây nhiễm qua sự tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng của trẻ bệnh, dịch mũi có thể dính vào đồ chơi, đồ dùng chung với trẻ khác rồi lây bệnh cho trẻ lành.

Triệu chứng viêm tiểu phế quản ở trẻ em

Triệu chứng lâm sàng diễn biến theo từng ngày tương ứng với sự phát triển, hoạt động của virus gây bệnh qua từng giai đoạn.

1. Giai đoạn khởi phát

Bệnh khởi phát với các triệu chứng của đường hô hấp trên như ho nhẹ, ho húng hắng, hắt hơi, chảy nước mũi. Trẻ có thể sốt nhẹ 38-39 độ hoặc không sốt, nếu trẻ sốt cao 40 độ là dấu hiệu của bệnh nặng.

Viêm tiểu phế quản khởi phát với các triệu chứng ho, hắt hơi, chảy mũi hoặc có thể sốt nhẹ (Nguồn: Internet).

Tìm mua máy đo nhiệt độ tại nhà cho trẻ ở đây.

2. Giai đoạn toàn phát

Sau khi đi qua đường hô hấp trên trong 1-2 ngày đầu, đến ngày thứ 2-3, virus bắt đầu khu trú và gây bệnh tại tiểu phế quản. Những ngày này, triệu chứng bệnh dường như rõ ràng nhất. Trẻ kích thích, quấy khóc, bỏ ăn, không chịu chơi. Trẻ ho nhiều hơn, có thể có cơn ho dữ dội, nghe tiếng thở khò khè, nặng nhọc. Trẻ khó thở, nhịp thở nhanh, tắc nghẹt mũi.

Ngoài ra, bé có thể có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như nôn nhiều, ỉa chảy. Chính do sốt cao và nôn nhiều, ỉa chảy nên trẻ dễ bị mất nước. Sự mất nước nhiều khi gây hậu quả nghiêm trọng tùy mức độ.

Bệnh trạng sẽ tiến triển nặng trong thời gian ngắn (Nguồn: Internet).

Khi bé có các biểu hiện của viêm tiểu phế quản, mẹ cần đưa bé đi khám kịp thời, nhanh chóng và đặc biệt chú ý khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau là trường hợp cấp cứu:

  • Trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi
  • Trẻ có cơn tím tái hoặc ngừng thở (trước đó thấy trẻ thở khò khè, nặng nhọc)
  • Chú ý đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên > 60 lần/ phút

3. Giai đoạn thoái triển

Sau 3-4 ngày, cơ thể nhận biết được sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh và sẽ có cơ chế phản ứng, vì thế các dấu hiệu giảm dần và bắt đầu thoái triển. Tuy nhiên, triệu chứng khò khè vẫn còn khá lâu sau đó nhưng không đáng ngại. Về cơ bản, bệnh được coi hồi phục.

Điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ em

Nếu điều trị sớm và đúng cách, hầu hết viêm tiểu phế quản đều khỏi hoàn toàn sau 1- 2 tuần điều trị. Với trường hợp nặng hay trẻ suy giảm miễn dịch, thời gian điều trị sẽ dài hơn và cần chú ý một vài biến chứng như bội nhiễm, xẹp phổi do thiếu oxy kéo dài. Tuy nhiên, vẫn có 1-2% trường hợp tử vong.

Dù điều trị tại bất kì cơ sở y tế nào cũng cần đảm bảo 4 nguyên tắc: Chống suy hô hấp, bồi phụ nước, điện giải cho bé, điều trị các triệu chứng làm trẻ khó chịu và điều trị nguyên nhân gây bệnh.

Hãy chú ý để đưa con trẻ tới cơ sở y tế sớm nhất (Nguồn: Internet).

Trẻ cần được nằm ở phòng thoáng mát, nằm đầu cao ngửa nhẹ ra sau là tư thế giúp trẻ dễ thở hơn. Hút đờm dãi cho trẻ để khai thông đường thở. Nếu trẻ có tím tái, khó thở cần phải thở oxy. Đây là điều được chỉ định bởi bác sĩ điều trị.

Như đã nói ở trên, trẻ có thể có dấu hiệu mất nước do sốt cao, thở nhanh, rối loạn tiêu hóa, nôn, ỉa chảy. Vì thế, mẹ cần khuyến khích trẻ uống nước để bù lại lượng dịch đã mất. Nếu trường hợp nặng, cần truyền dịch.

Các thuốc khí dung như Ventolin, Pulmicort hay Salbutamol để giãn phế quản cần dùng theo chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn cụ thể của nhân viên y tế. Việc sử dụng corticoid trong điều trị viêm tiểu phế quản còn rất nhiều bàn cãi và chỉ dùng khi cần thiết.

Thuốc kháng sinh thường được dùng để chống bội nhiễm. Thuốc được dùng khi thể bệnh nặng, sốt cao > 40 độ để đề phòng viêm phổi. Các trường hợp thông thường hầu như không dùng. Các mẹ không nên cho con dùng kháng sinh bừa bãi để tránh kháng thuốc sau này.

Với bài viết trên đây, Kinhnghiem360.edu.vn đã gửi tới bạn đọc thông tin về bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em. Mong rằng bài viết sẽ hữu ích để giúp cha mẹ giảm bớt nỗi lo về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho con nhỏ. Đừng quên truy cập chuyên mục Sức khoẻ của Kinhnghiem360.edu.vn để được cập nhật thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích cho mình bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *