Người cận thị có cần đeo kính khi nhìn gần? Hay chỉ cần quan tâm tròng kính còn phần gọng thì chọn sao cũng được? Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn khám phá 5 quan niệm sai lầm về cận thị mà rất nhiều người hiện nay vẫn tưởng là đúng nhé!
Trong số các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học đường thì cận thị luôn đứng hàng top cả về mức độ phổ biến và sự ảnh hưởng đối với cuộc sống. Các bạn học sinh khi phải đeo cặp “đít chai” dày cộp sẽ gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt và học tập như không thể nhìn xa khi quên mang kính, giảm “nhan sắc” của bản thân và hạn chế tham gia các hoạt động thể lực.
Đời sống ngày càng phát triển dẫn đến áp lực học tập căng thẳng cùng với sức hấp dẫn của các thiết bị công nghệ khiến cho đôi mắt của chúng ta ngày ngày bị “tra tấn” bởi cường độ làm việc quá nhiều. Bên cạnh đó thói quen sinh hoạt không điều độ, thiếu phương pháp bảo vệ mắt cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ cận thị ngày càng tăng cao.
Để biết cách chăm sóc mắt đơn giản mà hiệu quả, bạn có thể tìm hiểu trong bài viết: Giữ đôi mắt đẹp xinh sáng khỏe với 10 tuyệt chiêu đơn giản mỗi ngày!
Khi đã mắc phải tật cận thị hiển nhiên là chúng ta phải đeo kính. Tuy vậy có những sự thật ít người biết về tật khúc xạ này cũng như thói quen đeo kính mỗi ngày như thế nào để đảm bảo sức khỏe đôi mắt không bị suy giảm thêm nữa. Dưới đây là 5 điều lầm tưởng mà rất nhiều người vẫn tin vào dù đã đeo kính cận lâu năm, hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!
1. Khi bị cận không nên đeo kính nhiều vì dễ bị lệ thuộc vào kính?
Bản chất của tật cận thị là do sự biến dạng của các cấu trúc bên trong mắt khiến hình ảnh không thể hội tụ chính xác trên võng mạc, khi đó ta sẽ thấy hình ảnh bị mờ nhòe không rõ. Kính cận có tác dụng như một công cụ giúp điều chỉnh lại đường đi của tia sáng để đưa hình ảnh về đúng vị trí trên võng mạc, từ đó người bị cận có thể nhìn rõ như bình thường.
Trừ một vài trường hợp cận nhẹ và được phát hiện sớm – khi đó có thể tập luyện để mắt không cần đeo kính vẫn nhìn khá tốt – ngoài ra đa số người bị cận đều nên đeo kính thường xuyên để tránh tình trạng cận thị diễn tiến nặng hơn. Bản thân những biến dạng của cấu trúc bên trong mắt không thể tự phục hồi nếu cận nặng, do đó suy nghĩ rằng “không đeo kính thì mắt sẽ trở lại bình thường” là hoàn toàn sai lầm.
Người bị cận thị nếu không đeo kính sẽ dễ làm tăng độ về sau, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho mắt. Đặc biệt ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện cận thị kịp thời để đeo kính đúng độ sẽ có nguy cơ rối loạn thị lực hai mắt, hay còn gọi là nhược thị.
2. Cận thị là tình trạng không nhìn được các vật ở xa, do đó khi nhìn gần không cần đeo kính?
Những người bị cận thị chắc chắn đã đôi lần được “tư vấn” điều này, nhưng thực ra quạn niệm đó lại không đúng.
Quả thật tật cận thị khiến chúng ta không thể nhìn rõ các hình ảnh ở xa, tuy nhiên điều quan trọng cần lưu ý là khi đưa vật lại “gần” để nhìn cho rõ thì thực tế khoảng cách đó cũng ngắn hơn so với cái “gần” của người bình thường. Nói cách khác, tầm nhìn của người cận thị bị thu ngắn lại so với người mắt tốt, bất kể khi nhìn xa hay nhìn gần.
Khi nhìn gần mà không đeo kính, mắt cận vẫn phải điều tiết nhiều hơn mắt tốt dẫn đến cảm giác nhức mỏi và tai hại hơn là nguy cơ tăng độ nếu duy trì thói quen này lâu dài. Tâm lý “lười đeo kính” sẽ khiến người cận thị lúc nào cũng tìm cách nhìn gần thay vì nhìn xa, do đó càng làm tăng nguy cơ mắt bị tổn thương nặng nề hơn.
Đeo kính giúp cho mắt cận có khả năng nhìn hình ảnh giống như mắt bình thường, nhìn xa thoải mái và khi nhìn gần cũng không cần phải đưa vật lại quá sát mắt. Do vậy nếu bị cận mức độ vừa và nặng bạn hãy nhớ đeo kính thường xuyên dù nhìn ở khoảng cách nào nhé.
3. Chỉ cần đeo kính thường xuyên là được, không cần đi khám mắt để kiểm tra lại?
Giống như tất cả những bệnh lý khác của cơ thể, dù đã thực hiện các phương pháp điều trị như uống thuốc đều đặn thì bạn vẫn phải tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh đã tiến triển hay ổn định ra sao.
Đối với tật cận thị cũng tương tự, đeo kính thường xuyên giúp bạn có thị lực gần như bình thường nhưng không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ tăng độ. Hiện tượng này có thể diễn biến âm thầm khiến người bị cận không nhận ra mắt mình đang suy yếu hơn trước, đến lúc nhìn mờ hẳn đi thì độ cận thị cũng tăng lên quá nhiều rồi.
Thậm chí nhiều người dù thấy mắt tăng độ nhưng vẫn chủ quan cho rằng dùng kính cũ vẫn được, dẫn đến đau mỏi mắt và luôn phải cố gắng hết sức để nhìn rõ mọi vật. Điều này không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, học tập và công việc mà còn có thể dẫn đến tăng độ ngày càng nhanh cùng các biến chứng nặng nề cho mắt, thậm chí hủy hoại thị lực hoàn toàn.
Do đó các chuyên gia nhãn khoa đều khuyên rằng người cận thị nên đi khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng để kiểm tra độ cận và thay kính mới nếu đã tăng độ.
4. Khi đeo kính chỉ cần tròng kính tốt là được, không cần quá coi trọng phần gọng kính?
Quả thực tròng kính mới là phần có khả năng điều chỉnh tia sáng đi vào mắt để khắc phục tật cận thị, nhưng như vậy không có nghĩa rằng gọng kính hoàn toàn chẳng có tác dụng gì. Nếu bạn nghĩ rằng có thể “chọn bừa” gọng kính loại nào cũng được thì thật là sai lầm đấy.
Khi mua kính ngoài việc chọn tròng kính chất lượng cao, có khả năng chống lóa hay ngăn tia UV thì phần gọng kính cũng cần đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định. Độ dài của gọng tới tròng kính nên rơi vào khoảng 12 đến 14mm để phù hợp với khuôn mặt, gọng phải ôm sát hai bên thái dương nhưng không quá chặt dẫn đến khó chịu cho người đeo.
Ngoài ra yếu tố thẩm mỹ cũng cần được tính đến nếu bạn muốn cặp kính không chỉ là công cụ chữa tật cận thị mà phải là một món “phụ kiện” tô điểm cho khuôn mặt mình. Bạn có biết rằng khuôn mặt của hầu hết mọi người được chia thành một vài kiểu dáng chính như hình tròn, hình vuông, hình trái lê, hay hình kim cương…
Ứng với mỗi hình dạng khuôn mặt sẽ có những kiểu gọng kính phù hợp khác nhau, thêm vào đó lại có kiểu hợp với nam, có loại đẹp cho nữ, rất nhiều thiết kế để bạn lựa chọn.
5. Người cận thị sẽ phải gắn bó với cặp “đít chai” đến suốt đời?
Trái ngược với tâm lý lười đeo kính, có nhiều người rất chú trọng đến việc bảo vệ mắt bằng cách đeo kính thường xuyên và “siêng năng” đến mức tin rằng mình sẽ không thể rời bỏ cặp kính này đến suốt cuộc đời.
Thực ra quan niệm này đã từng đúng nhiều năm trước đây, nhưng ngày nay việc phẫu thuật chữa khỏi cận thị đã trở nên phổ biến và dễ dàng hơn nhiều.
Phẫu thuật cận thị – hay thường được gọi tắt là “mổ cận” – thực ra bao gồm nhiều phương pháp khác nhau với kỹ thuật và độ phức tạp cũng không giống nhau. Từ các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu như dùng tia laser cho đến “đao to búa lớn” như thay thủy tinh thể, các phương pháp này đều có khả năng khôi phục lại thị lực cho mắt cận để bạn có thể tạm biệt cặp kính bất tiện kia đi.
Tuy nhiên để có thể thực sự thoát khỏi nỗi ám ảnh cận thị người bệnh cần thực hiện đúng những biện pháp bảo vệ để đảm bảo mắt không bị tổn thương trong giai đoạn sau mổ cực kỳ nhạy cảm cũng như tránh tái cận về sau. Chẳng ai muốn tiền mất mà tật vẫn mang đúng không nào!
Cũng “nhắc nhỏ” với bạn rằng hiện nay phẫu thuật là phương pháp duy nhất có thể chữa dứt điểm cận thị. Tất cả những mẹo truyền miệng khác đều chỉ là lời đồn thổi chưa có bằng chứng, hoặc nếu có tác dụng cũng chỉ giúp mắt ít bị tăng độ mà thôi. Do đó nếu muốn chữa cận thị “một lần và mãi mãi” bạn hãy đến các cơ sở y tế có uy tín để được bác sĩ tư vấn chính xác, đừng nghe theo những “phương pháp” tự chữa tại nhà nhé!
Hãy tiếp tục đón xem những thông tin hấp dẫn mà Kinhnghiem360.edu.vn mang đến cho bạn mỗi ngày nhé!