Có thể bạn đã biết rằng nhiều loại hóa chất độc hại cho sức khỏe được cho vào thực phẩm để tăng hương vị và đẹp mắt. Nhưng cũng có nhiều chất độc xuất hiện “tự nhiên” trong các món ăn hằng ngày mà bạn không ngờ tới, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nhất là khi ăn thường xuyên với lượng lớn. Dưới đây là 6 loại chất độc thường có trong đồ ăn thức uống mà bạn nên cẩn thận đề phòng.
1. Bisphenol A và các hợp chất tương tự
Bisphenol A (BPA) là một hóa chất được tìm thấy trong các hộp nhựa dùng để chứa nhiều loại thực phẩm và đồ uống thông thường, cũng có trong lớp phủ ở mặt trong của các lon kim loại, ví dụ như thực phẩm đóng hộp được chế biến sẵn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng BPA có thể “rò rỉ” từ những vật chứa thấm vào đồ ăn thức uống bên trong. Khi vào cơ thể, chất này có khả năng liên kết với các thụ thể của hormone estrogen, từ đó gây rối loạn các chức năng liên quan đến hormone này.
Hơn nữa, các nghiên cứu trên động vật mang thai đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với BPA dẫn đến các vấn đề về sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư vú và tuyến tiền liệt cho đời con sau này. Một số nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nồng độ BPA cao có liên quan đến tình trạng kháng insulin, tiểu đường type 2 và béo phì. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu trên người xác định mối liên quan giữa phơi nhiễm BPA và bệnh tiểu đường.
May mắn là hầu hết các loại đồ nhựa và lon kim loại hiện nay không chứa BPA, tuy nhiên nhiều sản phẩm đã thay thế nó bằng các hợp chất có cấu trúc tương tự, ví dụ như bisphenol S (BPS), cũng có thể gây độc hại đối với cơ thể người. Trên thực tế, đã có bằng chứng gợi ý rằng BPS có thể gây độc cho hệ sinh sản nhiều hơn cả BPA.
Để không tiếp xúc với các hợp chất cực kỳ độc hại này, bạn hãy tránh các món ăn được chứa trong đồ nhựa, kể cả nước đóng chai. Tốt nhất nên sử dụng đồ uống đựng trong ly thủy tinh và thép không gỉ thay cho đồ nhựa, và chọn các thực phẩm đựng trong hộp thủy tinh thay vì lon nhôm.
2. Chất béo chuyển hóa nhân tạo
Chất béo chuyển hóa (trans fat) được tạo ra bằng cách kết hợp hydro vào các loại dầu không bão hòa như dầu đậu nành và dầu ngô để biến chúng thành chất béo bão hòa dạng rắn. Trans fat từng được dùng phổ biến trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn như bơ thực vật, đồ ăn vặt và các loại bánh nướng đóng gói.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ chất béo chuyển hóa có thể gây tình trạng viêm trong cơ thể và gây hại cho tim mạch. Đó là lý do khiến trans fat nhân tạo đã bị cấm sử dụng hoàn toàn ở Mỹ kể từ tháng 1 năm 2020.
Một số thực phẩm có nguồn gốc từ động vật có thể chứa trans fat tự nhiên với lượng ít nhưng loại này không ảnh hưởng xấu cho sức khỏe như trans fat công nghiệp do con người tạo ra.
3. Hydrocarbon thơm đa vòng
Các hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng (gọi tắt là PAH) được coi là chất gây ô nhiễm môi trường. Chúng thường xuất hiện khi đốt các chất hữu cơ nhưng ngoài ra cũng được tìm thấy trong thực phẩm.
Khi thịt được nướng hoặc hun khói ở nhiệt độ cao, mỡ chảy ra tiếp xúc với bề mặt nóng sẽ tạo ra các PAH dễ bay hơi và có thể thấm vào thịt. Thịt đỏ từng được cho là thủ phạm chính gây ra hiện tượng này, nhưng các mẫu thịt gà và cá nướng cũng được phát hiện có chứa lượng PAH tương tự. Trên thực tế, các loại thịt hun khói và nướng là một trong những nguồn chủ yếu sinh ra PAH trong thực phẩm, ngoài ra chất này cũng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn.
Các nghiên cứu đã phát hiện rằng PAH có độc tính và có liên quan với tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, thận, đại tràng và tuyến tiền liệt.
Cách tốt nhất để tránh tiếp xúc với chất độc này là thay thế các món chiên nướng bằng các phương pháp nấu ăn khác như om hoặc nấu chậm. Ngoài ra nghiên cứu cho thấy có thể giảm tới 89% lượng PAH khi nướng bằng cách giảm khói và loại bỏ những giọt chất lỏng từ thực phẩm chảy ra.
4. Coumarin trong quế
Coumarin là một hợp chất có độc tính được tìm thấy trong vỏ quế. Khi dùng với liều cao, coumarin đã được phát hiện có liên quan với tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và tổn thương gan. Nhưng trong thực tế rất khó biết được chính xác hàm lượng coumarin trong quế là bao nhiêu để giới hạn liều lượng sử dụng.
Một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ thường xuyên rắc quế vào bột yến mạch để ăn có thể tiêu thụ coumarin vượt quá mức an toàn, vì vậy nếu gia đình bạn có thói quen sử dụng quế thường xuyên thì hãy chú ý đến điều này.
Nếu bạn muốn tránh coumarin thì hãy tìm một loại quế đặc biệt có tên là quế Ceylon hay “quế thật” có nguồn gốc từ loài cây quế Cinnamomum verum. Loại quế này khó tìm hơn và đắt hơn nhưng bù lại nó chứa ít coumarin hơn quế thường.
Bạn có thể mua quế Ceylon tại đây
5. Đường phụ gia
Đường phụ gia được cho thêm vào thực phẩm để tăng vị ngọt, chúng chứa nhiều calo nhưng không có các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể nên được gọi là calo rỗng.
Các loại đường có nhiều fructose, ví dụ như xi-rô ngô tăng cường fructose, nếu dùng với liều cao có liên quan đến nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe như béo phì, tiểu đường type 2, hội chứng chuyển hóa, bệnh gan nhiễm mỡ và ung thư.
Thực phẩm chứa nhiều đường phụ gia cũng thường là thực phẩm đã qua chế biến và có tính “gây nghiện” khiến người ăn khó dừng lại được. Nguyên nhân có thể là do việc ăn đường kích thích giải phóng dopamine trong não, đó là một chất dẫn truyền thần kinh tạo ra cảm giác vui sướng thỏa mãn khiến chúng ta muốn ăn tiếp.
Để giảm lượng đường nạp vào cơ thể, bạn nên hạn chế các loại đồ uống có đường như nước ngọt và nước ép trái cây đóng hộp cũng như các loại đồ ăn vặt và bánh kẹo ngọt chế biến sẵn.
6. Thủy ngân trong cá
Cá là nguồn cung cấp protein cùng với nhiều dưỡng chất quý giá, nhưng một số loại cá biển sống ở vùng nước sâu có thể chứa lượng thủy ngân cao trong thịt của chúng. Nguyên nhân là do thủy ngân gây ô nhiễm môi trường và tác động tới tất cả mọi sinh vật. Thực vật sống trong vùng nước bị nhiễm thủy ngân là thức ăn của cá nhỏ, sau đó cá nhỏ bị cá lớn ăn. Theo thời gian, thủy ngân tích tụ trong cơ thể của những con cá lớn và cuối cùng trở thành thức ăn cho con người.
Thủy ngân là một chất độc cực kỳ nguy hiểm đối với hệ thần kinh. Nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng hơn vì thủy ngân có thể tác động đến sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi và trẻ nhỏ.
Một bản phân tích năm 2014 cho thấy ở một số quốc gia, nồng độ thủy ngân trong tóc và máu của phụ nữ và trẻ em cao hơn đáng kể so với mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra, đặc biệt là những người sống ở ven biển và gần các khu mỏ.
Một số loài cá như cá thu vua và cá kiếm chứa hàm lượng thủy ngân rất cao và nên tránh, nhưng bạn vẫn có thể ăn các loại cá khác vì đó là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân, hãy chọn các loại cá an toàn như cá hồi, cá trích và cá da trơn.
Trên đây là những loại chất độc thường xuất hiện trong đồ ăn thức huống hằng ngày mà bạn cần tránh để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!