6 quan niệm sai lầm về sốt xuất huyết – Căn bệnh “đến hẹn lại lên” không được xem thường!

Mỗi người chỉ mắc sốt xuất huyết một lần trong đời? Nếu lỡ mắc cũng không cần đi khám, chỉ cần tự chữa ở nhà vài ngày là khỏi? Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn khám phá sự thật về căn bệnh rất quen thuộc này nhé!

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra và muỗi Aedes là vật trung gian lây truyền. Ở Việt Nam thường gọi chung là sốt xuất huyết nhưng thực ra khi nhiễm virus có thể xuất hiện 3 thể bệnh khác nhau được gọi là sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue và hội chứng sốc Dengue.

Muỗi vằn Aedes là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết (Ảnh: Internet).

Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng và xuất hiện từ ​​4 đến 7 ngày sau khi bị muỗi đốt. Bệnh nhẹ có thể bị đau nhức cơ và khớp, sốt cao, nôn ói, phát ban, đau đầu dữ dội, đau sau mắt, v.v. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể nặng dần và gây chảy máu các cơ quan bên trong cơ thể, đau bụng, mạch yếu, tiểu cầu trong máu giảm đáng kể, trí óc lơ mơ, v.v. Những triệu chứng nghiêm trọng này thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Phát ban dạng chấm đỏ là triệu chứng thường gặp khi bị sốt xuất huyết (Ảnh: Internet).

Vì hiện nay chưa có vaccine nên phải phòng bệnh bằng cách diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt, nếu nghi ngờ mắc bệnh phải đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Chẩn đoán sốt xuất huyết không phải lúc nào cũng dễ dàng vì các triệu chứng của nó giống với các bệnh nhiễm trùng thông thường khác như sốt rét, thương hàn, v.v. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh này, chỉ giảm nhẹ triệu chứng để cơ thể tự phục hồi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hằng năm trên toàn cầu có khoảng 390 triệu người bị ảnh hưởng bởi bệnh sốt xuất huyết. Khi thời tiết chuyển sang mùa mưa cũng là lúc nguy cơ lây truyền bệnh tăng cao do muỗi Aedes sinh sản và trưởng thành nhanh hơn trong thời gian này. Do đó điều quan trọng là mỗi người phải có hiểu biết đúng để tự bảo vệ mình, phòng tránh căn bệnh nguy hiểm.

Diệt muỗi là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh sốt xuất huyết (Ảnh: Internet).

Từ việc dùng lá đu đủ để chữa bệnh cho đến suy nghĩ rằng “chỉ bị bệnh này một lần trong đời”, những điều lầm tưởng về sốt xuất huyết vẫn được truyền tai nhau không hiếm gặp. Sau đây hãy cùng lật tẩy 6 quan niệm sai lầm như vậy nhé.

1. Mỗi người chỉ có thể bị sốt xuất huyết 1 lần trong đời?

Không giống như một số bệnh khác (thủy đậu, sởi, v.v.), sốt xuất huyết có thể xảy ra nhiều lần ở cùng một người. Virus Dengue có 4 “biến thể” khác nhau, hay còn gọi là 4 tuýp huyết thanh, do đó khi mắc bệnh 1 lần và đã khỏi thì hệ miễn dịch mới chỉ chống lại được 1 tuýp huyết thanh đó mà thôi, vẫn có khả năng bị mắc các tuýp còn lại.

Virus Dengue có 4 tuýp khác nhau (Ảnh: Internet).

Đặc biệt, những người bị nhiễm bệnh lần thứ 2 trở đi có thể gặp triệu chứng nặng hơn so với lần đầu. Các nhà khoa học đã phát hiện ra phản ứng miễn dịch của cơ thể chính là nguyên nhân khiến triệu chứng trở nên tồi tệ hơn khi một người bị tái nhiễm, do hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh với mầm bệnh.

2. Sốt xuất huyết có thể lây trực tiếp từ người sang người?

Sốt xuất huyết không lây qua tiếp xúc trực tiếp mà chỉ có thể lây lan bởi muỗi Aedes. Không thể mắc bệnh này khi chạm vào người bệnh hoặc đứng gần nhau khi ho, hắt hơi. Các trường hợp lây virus Dengue qua truyền máu hoặc ghép tạng cũng rất hiếm.

Bệnh sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi đốt (Ảnh: Internet).

Muỗi cái hút máu người bệnh có chứa virus rồi truyền sang người lành, sau đó các triệu chứng sẽ xuất hiện từ 4 đến 7 ngày sau khi virus xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên muỗi Aedes thường không di chuyển xa khỏi khu vực sinh sản của chúng, thường chỉ trong phạm vi 400 mét. Do đó nếu có người trong gia đình bị muỗi đốt ở nhà thì những người khác cũng có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa để ngăn muỗi trú ẩn và sinh sản là biện pháp đơn giản để phòng bệnh sốt xuất huyết tại nhà.

3. Muỗi truyền bệnh chỉ sinh sản ở vùng nước dơ như cống rãnh, ao tù?

Muỗi Aedes đẻ trứng ở nơi nước tù đọng, dù sạch hay bẩn. Trên thực tế, chúng có thể đẻ trứng trong vũng nước có kích thước chỉ bằng đồng xu. Những nơi cần lưu ý trong nhà để tránh muỗi sinh sản là nước đọng trong lọ hoa, thau chậu, máng xối trên mái nhà, hốc cây, hồ nước, v.v. Thậm chí muỗi có thể đẻ trứng vào các vũng nước bị mắc kẹt trong nền đất cứng.

Ngoài việc vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để không cho muỗi trú ẩn, nên thường xuyên kiểm tra xem có chỗ nào bị đọng nước và loại bỏ ngay, phải xả hết các vật chứa nước hoặc đậy nắp kín để tránh muỗi sinh sôi trong nhà.

4. Sốt xuất huyết chỉ phổ biến vào mùa mưa?

Muỗi Aedes đẻ trứng vào nước nên đương nhiên sẽ sinh sôi nhiều vào mùa mưa. Tuy nhiên muỗi cũng bị thu hút bởi nhiệt độ ấm và khí CO2 do con người thở ra, do đó chúng cũng hoạt động rất “tích cực” trong mùa hè. Thực tế sốt xuất huyết có thể xảy ra quanh năm và cần phải đề phòng mọi lúc mọi nơi.

Muỗi có thể truyền bệnh quanh năm nên không được chủ quan (Ảnh: Internet).

5. Sốt xuất huyết là bệnh nhẹ, có thể tự chữa tại nhà?

Sự thật là sốt xuất huyết có thể gây tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Thể bệnh nhẹ nhất gọi là sốt Dengue, các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt cao, đau đầu đau cơ và khớp. Thông thường cơn sốt sẽ kéo dài từ 3 đến 5 ngày.

Có những người không cần nhập viện vẫn khỏi bệnh khi được nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước và dùng thuốc giảm đau hạ sốt. Tuy nhiên tự chữa bệnh tại nhà rất nguy hiểm vì có khả năng bệnh sẽ tiến triển nặng mà không được phát hiện kịp thời. Đặc biệt cần cảnh giác khi thấy sốt bắt đầu hạ, vì các triệu chứng nặng có thể xuất hiện 24-48 giờ sau khi giảm sốt.

Triệu chứng thường gặp khi mắc sốt xuất huyết (Ảnh: Internet).

Những dấu hiệu cảnh báo sau đây cho thấy bệnh đang trở nên nghiêm trọng hơn:

  • Nôn ói nhiều và liên tục
  • Khó thở
  • Đau bụng
  • Chảy máu mũi, nướu, có máu trong chất nôn hoặc phân
  • Mệt mỏi rã rời

Thể bệnh nặng được gọi là sốt xuất huyết Dengue và hội chứng sốc Dengue, có thể gây tử vong nếu không được điều trị đúng. Trong bất kỳ trường hợp nào bị sốt xuất huyết, tốt nhất là hãy đi khám ngay lập tức. Nếu phát hiện dấu hiệu cảnh báo nêu trên hãy đến bệnh viện ngay để được theo dõi và chăm sóc y tế.

6. Có thể dùng lá đu đủ để chữa sốt xuất huyết?

Ở nhiều nơi có quan niệm cho rằng dùng lá đu đủ ép lấy nước có thể chữa được bệnh. “Cơ sở” của cách làm này là do sốt xuất huyết làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu, mà nước ép lá đu đủ có tác dụng làm tăng tiểu cầu. Những bệnh nhân có tiểu cầu thấp dễ bị chảy máu các cơ quan nội tạng vì tiểu cầu tham gia vào quá trình đông máu.

Lá đu đủ có chữa được sốt xuất huyết (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy nước ép lá đu đủ có thể chữa sốt xuất huyết, và hiện nay cũng chưa có thuốc đặc trị cho bệnh này. Các bác sĩ chỉ kê đơn thuốc giảm bớt triệu chứng của bệnh, tạo điều kiện cho cơ thể tự phục hồi. Ngoài ra uống nhiều nước cũng là biện pháp hỗ trợ tốt vì cơ thể đã bị mất nhiều nước trong quá trình bệnh.

Mặc dù hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết thường biểu hiện nhẹ nhưng phát hiện và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng dễ dàng hơn. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mình hoặc người thân bị mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chẩn đoán kịp thời và tránh trở nặng.

Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *