Bệnh trĩ chỉ xảy ra ở người già? Hay ăn nhiều đồ cay dễ bị bệnh trĩ? Có phải đó là những “sự thật” mà bạn thường nghe nhiều người nói tới nhưng không biết có đúng hay không? Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn khám phá những quan niệm về bệnh trĩ được nhiều người tin theo nhưng thực ra lại sai lầm nhé!
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở vùng hậu môn hoặc đoạn dưới trực tràng bị giãn to và lỏng lẻo, có thể lộ ra ngoài khi ngồi xuống hoặc khi tăng áp lực trong bụng (như lúc rặn đi đại tiện).
Bệnh trĩ là vấn đề phổ biến nhưng rất “khó nói” và hiếm khi được thảo luận cởi mở, dẫn đến nhiều quan niệm sai lầm hoặc khó hiểu trong khi sự thật lại không quá phức tạp. Hãy cùng xem nhé.
Bệnh trĩ là vấn đề rất “kỳ cục” và ít gặp?
Sự thật thì đây là căn bệnh rất phổ biến. Theo bác sĩ Will Kimbrough tại Washington, D.C (Mỹ), nếu thống kê đến 50 tuổi thì thực tế có nhiều người đã mắc bệnh trĩ ở mức độ nào đó. Thậm chí theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Bệnh tiêu hóa và Bệnh thận của Mỹ (NIDDK), có tới hơn 75% mọi người sẽ mắc bệnh này ít nhất một lần trong đời.
Chỉ có người già mới bị bệnh trĩ?
Đa số bệnh này xuất hiện ở người già, nhưng thực ra lứa tuổi nào cũng có thể mắc phải. Theo bác sĩ Will Kimbrough, bệnh trĩ thường gặp nhất trong độ tuổi 45 đến 65, nhưng cũng có thể gặp ở những người trẻ tuổi hơn.
Khi cơ thể già đi, mô liên kết nằm giữa hậu môn và trực tràng bị yếu dần khiến cho các tĩnh mạch dễ bị giãn ra và dẫn tới bệnh trĩ, nhưng theo NIDDK thì thực tế mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh này.
Một nguyên nhân phổ biến gây bệnh trĩ là tăng áp lực ở hậu môn do táo bón hoặc tiêu chảy, ngoài ra áp lực tăng cao trong ổ bụng khi phụ nữ mang thai khiến cho các tĩnh mạch giãn ra cũng có thể dẫn đến bệnh trĩ.
Ăn nhiều đồ cay dễ bị bệnh trĩ?
Điều này là sai, theo bác sĩ Kimbrough. “Bệnh trĩ là do sức ép đối với các tĩnh mạch gần hậu môn. Điều này là do áp lực ở mạch máu, chứ không phải do bất cứ chuyện gì xảy ra trong quá trình trao đổi chất của cơ thể.”
Một báo cáo về điều trị bệnh trĩ được đăng trên Tạp chí Y khoa New England năm 2014 cho biết: một thử nghiệm lâm sàng cho thấy triệu chứng của bệnh không trở nên nặng hơn ở những người đã ăn ớt cay.
Chế độ ăn không ảnh hưởng đến bệnh trĩ?
Sự thật là: chế độ ăn nhiều chất xơ và uống đủ nước giúp cho đường ruột co bóp dễ dàng hơn trong quá trình tiêu hóa thức ăn và đại tiện, từ đó ngăn ngừa táo bón. Theo bác sĩ Kimbrough, táo bón là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến bệnh trĩ.
Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật đại tràng và trực tràng Mỹ (ASCR) khuyến cáo mỗi người nên ăn 20 đến 35 gram chất xơ mỗi ngày. Nếu bạn không thể có đủ chất xơ từ thức ăn thông thường thì hãy nhờ bác sĩ tư vấn về các sản phẩm bổ sung phù hợp.
Ngồi trên bề mặt lạnh dễ gây bệnh trĩ?
Sự thật là: vấn đề này chưa được nghiên cứu nhiều, nhưng hiện tại không có bằng chứng cho thấy bề mặt lạnh có thể gây ra bệnh trĩ, theo bác sĩ Kimbrough, thậm chí trên thực tế chườm lạnh có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng của bệnh.
Người bệnh có thể dùng túi chườm lạnh để chườm lên hậu môn trong thời gian ngắn, giúp giảm sưng và giảm bớt cảm giác khó chịu. Nhưng hãy cẩn thận: chỉ cần ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, theo NIDDK. Nên tránh những thứ làm mất tập trung và kéo dài thời gian khi đi vệ sinh, chẳng hạn như dùng điện thoại.
Không nên tập thể dục nếu đã bị bệnh trĩ?
Theo bác sĩ Kimbrough, tập thể dục thực ra là yếu tố quan trọng để phòng ngừa bệnh trĩ. Tuy nhiên phải lưu ý không tập nặng quá mức và sai kỹ thuật dẫn đến làm tăng áp lực trong ổ bụng, chẳng hạn như nâng tạ nặng và nín thở trong lúc nâng lên có thể làm bạn dễ bị mắc bệnh trĩ hoặc nếu đã bị bệnh thì sẽ tồi tệ hơn.
Nếu không mắc phải vấn đề trên thì tập thể dục thường xuyên có tác dụng giúp ngăn ngừa táo bón, tránh tăng cân nên không bị tăng áp lực ở hậu môn dẫn đến bệnh trĩ.
Điều trị bệnh trĩ luôn phải dùng phẫu thuật?
Bác sĩ Kimbrough cho biết: bệnh trĩ ít khi cần tới phẫu thuật vì các triệu chứng thường tự thuyên giảm hoặc chỉ cần điều trị nhẹ nhàng. Theo ASCRS, nguyên tắc quan trọng và cơ bản nhất trong điều trị bệnh trĩ là điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh, chưa tới 10% trường hợp cần phẫu thuật vì bệnh này.
Ngoài ra bác sĩ Kimbrough cũng cho biết: nếu các biện pháp đơn giản không hiệu quả thì còn có một số thủ thuật nhẹ nhàng và nhanh gọn hơn so với phẫu thuật có thể được áp dụng.
Bệnh trĩ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng?
Theo bác sĩ Kimbrough thì hiện nay không có bằng chứng cho điều này, mà thực tế vấn đề nghiêm trọng nhất của bệnh trĩ là người bệnh đôi khi xem thường tình trạng chảy máu khi đại tiện – vừa là triệu chứng bệnh trĩ nhưng cũng là dấu hiệu sớm của ung thư – và cũng không nhận ra các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm khác.
Đại tiện ra máu có thể là dấu hiệu ung thư (Ảnh: Internet).Những người trên 50 tuổi hoặc có người thân trong gia đình từng được chẩn đoán ung thư đại trực tràng là đối tượng nguy có cao, nên để ý phát hiện các triệu chứng mới xuất hiện hoặc thay đổi về mức độ của triệu chứng bệnh trĩ thường ngày, nói với bác sĩ để được thăm khám kỹ hơn.
Trên đây là những quan niệm sai lầm về bệnh trĩ và sự thật đúng đắn về chúng. Bạn có đang lầm tưởng về những điều này không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé.
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!