Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A-Z

9 tháng 10 ngày mang thai là một quá trình không hề dễ dàng với mỗi người mẹ. Sau đó, chăm sóc con sao cho khỏe mạnh và đúng cách cũng là một vấn đề rất cần chú ý. Cùng Kinhnghiem360.edu.vn nắm chắc bí kíp trong cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A-Z để làm mọi điều tốt nhất cho bé yêu nhé!

Quá trình mang thai và chăm con khi còn nhỏ là cả một chặng đường dài với mỗi người mẹ, mỗi gia đình. Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, trẻ em là một cơ thể đang phát triển. Đặc điểm về giải phẫu, sinh lý mọi cơ quan của trẻ em đều chưa đi vào chu kì hoạt động ổn định. Vì thế, việc chăm sóc trẻ nhỏ nói chung hay trẻ sơ sinh nói riêng là vấn đề không hề đơn giản. Kinhnghiem360.edu.vn sẽ gửi tới quý phụ huynh những kiến thức cơ bản nhất về việc chăm sóc trẻ sơ sinh trong bài viết sau.

1. Cho trẻ bú mẹ

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ được bú mẹ trong những tháng đầu đời không những làm tăng tình mẫu từ mà còn có rất nhiều lợi ích khác:

  • Trong sữa mẹ có đủ dinh dưỡng cần thiết, phù hợp nhất với trẻ mà trẻ dễ dàng tiêu hóa được.
  • Bú sữa mẹ giúp trẻ giảm nguy cơ dị ứng so với sữa ngoài.
  • Thêm vào đó, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn chưa hoàn thiện, trẻ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hoặc lây truyền từ môi trường sống, sữa mẹ như một liều thuốc giúp trẻ có được sức đề kháng khỏe mạnh hơn để chống lại bệnh tật.

Trẻ sau khi ra đời nên cho bú mẹ càng sớm càng tốt, sữa non của mẹ dù ít nhưng giá trị dinh dưỡng lớn, rất tốt cho trẻ. Ngoài ra, động tác bú của trẻ cũng kích thích tuyến sữa giúp sữa mẹ về nhanh và nhiều hơn.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (Nguồn: Internet).

Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh, thời gian sau đó sẽ kết hợp với sữa ngoài hoặc ăn dặm cho đến khi 2 tuổi. Việc cho trẻ ăn bột sớm là hoàn toàn không tốt, dạ dày của trẻ không hấp thu được tinh bột để chuyển hóa và tinh bột cũng là nguyên nhân làm giảm quá trình hấp thu Ca ở trẻ (một trong những nguyên nhân của bệnh còi xương). Uống sữa bò, ăn thức ăn công thức sớm đều làm tăng khả năng mắc bệnh còi xương ở trẻ.

Ngoài ra, các mẹ nên lưu ý việc xin sữa của sản phụ khác về cho con bú là không tốt, hãy đề phòng những bệnh có thể lây nhiễm qua sữa mẹ như viêm gan B, HIV,…mà mình không biết tới.

2. Tắm cho trẻ sơ sinh

Vì cơ thể trẻ còn yếu và da nhạy cảm nên việc tắm cho trẻ sơ sinh cũng là vấn đề rất cần chú ý. Khi mới sinh ra, trên da trẻ có một lớp chất gây, lớp gây này có tác dụng giữ nhiệt, bảo vệ và cung cấp dinh dưỡng cho da, vì thế chưa nên tắm cho trẻ trong ngày đầu tiên, chỉ cần dùng khăn bông khô để lau sạch chất dịch nhầy, máu trên cơ thể bé.

Từ ngày thứ 2 trở đi, nếu không có vấn đề gì đặc biệt, nên tắm cho trẻ hàng ngày để đảm bảo vệ sinh. Mẹ cần chuẩn bị:

  • Sữa tắm chuyên dùng cho trẻ em. Tìm mua sữa tắm chuyên dùng cho trẻ em tại đây.
  • Khăn lau người là khăn bông hoặc khăn xô mềm mại, tránh kỳ cọ mạnh khiến da bé bị tổn thương.
  • Nước tắm không quá nóng, không quá lạnh, thông thường sẽ để nhiệt độ 37 độ C (Nhiệt độ phòng 28 – 30 độ C, tránh gió lùa).

Nên tắm cho trẻ hằng ngày (Nguồn: Internet).

Khi tắm cho trẻ cần nhẹ nhàng, vệ sinh tay, dụng cụ trước khi thực hiện. Da trẻ rất mỏng, dưới da là rất nhiều tổ chức mạch máu, khi cọ xát mạnh hay dùng xà phòng với tính kiềm cao dễ khiến da bé bị tổn thương. Mẹ nên tắm cho trẻ theo từng phần từ phía trên tới phía dưới, chú ý không để nước dính vào cuống rốn, tránh đặt cả người bé vào chậu nước.

Phụ huynh một tay bế trẻ, một tay thực hiện thao tác vệ sinh cho trẻ. Dùng gòn lau mắt cho trẻ từ trong ra ngoài từng bên một, sau đó lau mặt, gội đầu. Khi gội đầu nên chú ý tránh để nước chảy vào tai bé. Cuối cùng lau khô cơ thể bé bằng khăn bông đã chuẩn bị sẵn, quấn tã không quá chặt để trẻ thoải mái và không bị cọ xát vào cuống rốn.

3. Chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh

Chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh là vấn đề rất cần chú ý, vì đây là vết thương hở, dễ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Đặc biệt khi nhiễm khuẩn ở cuống rốn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn toàn thân hay nhiễm khuẩn huyết cực kì nguy hiểm. Các mẹ tuyết đối không tự ý dùng kháng sinh hay chất gì rắc lên vùng rốn của bé.

Cách vệ sinh rốn cho trẻ không quá khó, cha mẹ có thể tham khảo hướng dẫn sau hoặc tốt nhất hãy hỏi cách thực hiện và quan sát thao tác của điều dưỡng tại bệnh viện để nắm rõ hơn:

  • Trước khi thực hiện vệ sinh cho bé, mẹ cần rửa sạch tay bằng xà phòng và sát trùng lại với cồn 90 độ.
  • Nhẹ nhàng mở bao rốn và quan sát cuống rốn cũng như tổ chức xung quanh, phát hiện các dấu hiệu bất thường như sưng đỏ, chảy máu hay chảy mủ, chảy dịch.
  • Dùng tăm bông vô khuẩn và nước muối sinh lý (0,9%) hoặc iod (0,5 -1 %) vệ sinh rốn cho bé. Lau nhẹ nhàng từ đầu rốn đến chân rốn.
  • Khi thực hiện xong các thao tác trên, che rốn lại bằng bao rốn nhẹ nhàng không quá chặt, hoặc có thể để hở khi chân rốn gần khô.
  • Đặc biệt lưu ý không đóng tã của trẻ trên rốn, tránh để nước tiểu hay phân dính tới rốn gây nhiễm trùng.
  • Các mẹ tuyệt đối không dùng bất cứ lực gì tác động để sớm làm bong dây rốn cho bé.
  • Đặc biệt khi thời tiết nóng bức, mẹ chú ý cho bé mặc đồ rộng, thoải mái, tránh quần áo bó sát cơ thể để thông khí, cuống rốn nhanh khô hơn và tránh nhiễm trùng.

Chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh hằng ngày để tránh nhiễm khuẩn (Nguồn: Internet).

Trong quá trình chăm sóc bé, mẹ cần chú ý một trong các dấu hiệu nhiễm trùng rốn sau để báo ngay với bác sĩ điều trị:

  • Rốn của trẻ rụng muộn sau 3 tuần
  • Vùng xung quanh chân rốn tấy đỏ hay sưng nề
  • Rốn chảy máu, khó cầm
  • Rốn có mủ, chảy ra nước vàng, có mùi hôi

4. Chăm sóc mắt cho trẻ sơ sinh

Trẻ thường bị chảy nước mắt hay có nghèn trong những ngày đầu sau sinh. Việc vệ sinh mắt cho trẻ là điều cần thiết phải làm hằng ngày để tránh viêm kết mạc mắt hay nhiễm khuẩn nặng hơn dẫn đến mù lòa sớm ở trẻ. Ngay sau sinh, các nhân viên hộ sinh đã vệ sinh mắt cho trẻ và tra thuốc mắt trong giờ đầu. Đặc biệt, với những phụ nữ bị viêm âm hộ, âm đạo, nguy cơ nhiễm trùng của trẻ càng cao hơn.

Chính vì những lý do nguy hiểm trên, phụ huynh cần chú ý:

  • Vệ sinh mắt hàng ngày cho trẻ bằng khăn lau riêng, giữ vệ sinh sạch sẽ.
  • Tất cả những người chăm sóc cho trẻ đều phải giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên.
  • Sử dụng đồ dùng sạch sẽ cho việc chăm sóc bé tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.
  • Giữ môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ.
  • Khi trẻ có dấu hiệu sưng mắt hay chảy nước mắt, có nhiều ghèn cần phải báo cho bác sĩ điều trị.

Nhiều người không chú ý tới vấn đề vệ sinh mắt ở trẻ sơ sinh dù nó rất cần thiết (Nguồn: Internet).

5. Theo dõi sát nhiệt độ cơ thể trẻ

Nhiệt độ cơ thể của trẻ dễ bị biến đổi do tác động của môi trường hay bệnh lý. Bình thường, trẻ sơ sinh nhiệt độ cơ thể là 36,5 – 37, 5 độ C. Nhiệt độ của trẻ quá cao hay quá thấp cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Các mẹ cần theo dõi sát nhiệt độ cơ thể của bé hằng ngày. Tốt nhất là hãy sắm riêng một chiếc nhiệt kế tại nhà để dùng khi cần thiết.

Mẹ có thể chọn nhiệt kế điện tử để đo nhanh chóng và dễ dùng, nhưng chính xác nhất vẫn là nhiệt kế thủy ngân truyền thống. Tìm mua nhiệt kế điện tử cho bé tại đây.

Khi đo nhiệt độ cơ thể cho bé, mẹ cần chú ý các mốc sau:

  • Nếu cơ thể trẻ có nhiệt độ nhỏ hơn 36, 5 độ C cần ủ ấm cho trẻ.
  • Nếu nhiệt độ trẻ cao hơn 37,5 độ C, hãy để trẻ ở nơi thoáng mát, lau qua cơ thể bằng nước ấm, bỏ bớt chăn, khăn quấn để trẻ dễ chịu, mẹ cho trẻ bú nhiều hơn và tiếp tục theo dõi sát nhiệt độ sau đó.
  • Khi trẻ lớn hơn 38 độ có nghĩa là trẻ bị sốt, hãy đưa trẻ tới bác sĩ để tìm nguyên nhân và hạ sốt đúng cách.

Dù không có dấu hiệu gì bất thường thi việc theo dõi nhiệt độ cơ thể bé hằng ngày cũng không thể bỏ qua (Nguồn: Internet).

6. Bổ sung vitamin và tiêm phòng cho trẻ

Vì cơ thể của trẻ thiếu vitamin nên việc bổ sung vitamin để nâng cao thể trạng cho bé là cần thiết. Hai loại vitamin cần chú ý nhất là vitamin D và vitamin K.

  • Vitamin D: giúp cho quá trình hấp thu Ca ở trẻ, giảm nguy cơ còi xương. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, nên bổ sung 1000-1200 đơn vị vitamin D mỗi ngày.
  • Vitamin K: cực kì cần thiết để phòng tránh xuất huyết não ở trẻ nhỏ (Vitamin K là một chất tham gia vào quá trình tổng hợp các yếu tố đông máu của cơ thể). Người ta có thể dùng đường uống hoặc đường tiêm để đưa vitamin K vào cơ thể bé. Nên bổ sung 2mg vitamin K mỗi tuần trong 6-8 tuần.

Chú ý lịch tiêm chủng cho trẻ (Nguồn: Internet).

Ngoài ra, các mẹ lưu ý về việc tiêm phòng 2 mũi bắt buộc là lao và viêm gan B cho trẻ trong tháng đầu tiên sau sinh.

Hi vọng những thông tin mà Kinhnghiem360.edu.vn chia sẻ có thể giúp các mẹ cũng như cả gia đình chăm sóc sức khoẻ của trẻ tốt hơn. Đừng quên truy cập chuyên mục Sức khoẻ của Kinhnghiem360.edu.vn để được cập nhật thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích cho mình bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *