Tiền mãn kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị để giảm bớt triệu chứng phiền toái

Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp trước khi mãn kinh. Trong thời kỳ tiền mãn kinh, mức độ nột tiết tố nữ estrogen bắt đầu giảm. Cơ thể bắt đầu có các triệu chứng giống như mãn kinh, chẳng hạn như bốc hỏa hoặc kinh nguyệt không đều. Tiền mãn kinh có thể kéo dài nhiều năm. Khi trải qua 12 tháng mà không có kinh nguyệt thì đây là lúc thời kỳ mãn kinh đã bắt đầu.

Tổng quan về tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là gì?

Tiền mãn kinh là khi cơ thể bạn bắt đầu chuyển sang giai đoạn mãn kinh. Trong quá trình chuyển đổi này, mức độ hormone và hoạt động sinh sản của cơ thể trở nên thất thường hơn. Một tên gọi khác của tiền mãn kinh là quá trình chuyển đổi mãn kinh.

Sơ đồ tuổi tiền mãn kinh ở phụ nữ (Ảnh: Internet).

Tiền mãn kinh có thể bắt đầu sớm nhất là giữa tuổi 30 hoặc muộn nhất là giữa tuổi 50. Một số người chỉ trải qua thời kỳ tiền mãn kinh trong một thời gian ngắn. Nhưng đối với nhiều người, tiền mãn kinh kéo dài từ 4 đến 8 năm. Thuật ngữ tiền mãn kinh chỉ đơn giản là mô tả thời gian mà các chu kỳ kinh nguyệt không còn dự đoán đều đặn được nữa. Vào thời điểm này, cơ thể đang bước vào giai đoạn cuối của độ tuổi sinh sản.

Sự khác biệt giữa tiền mãn kinh và mãn kinh là gì?

Tiền mãn kinh là thời gian chuyển tiếp và kết thúc ở thời kỳ mãn kinh. Mãn kinh có nghĩa là các chu kỳ kinh nguyệt đã hoàn toàn kết thúc. Nếu trong vòng 12 tháng mà chu kỳ kinh nguyệt không diễn ra lần nào thì đó là lúc cơ thể chính thức bước vào mãn kinh.

Nếu vẫn còn kỳ kinh thì không gọi là mãn kinh (Ảnh: Internet).

Thời kỳ tiền mãn kinh có thể mang thai không?

Ít có khả năng mang thai hơn trong thời kỳ tiền mãn kinh, nhưng vẫn có thể xảy ra. Khi vẫn còn có kinh tức là người phụ nữ vẫn có thể mang thai. Nếu bạn vẫn muốn mang thai và sinh con trong khoảng thời gian này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ sản phụ khoa và tìm hiểu các lựa chọn điều trị hiếm muộn có thể có.

Kinh nguyệt không đều có thể làm mang thai ngoài ý muốn. Nếu bạn không muốn mang thai và sinh con trong khoảng thời gian này, hãy tiếp tục sử dụng biện pháp tránh thai cho đến khi bác sĩ thông báo bạn có thể ngừng sử dụng chúng. Tuy vậy vẫn nên sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) trong suốt cuộc đời.

Bốc hỏa là một trong các triệu chứng tiền mãn kinh (Ảnh: Internet).

Khi nào thì tiền mãn kinh bắt đầu?

Hầu hết phụ nữ nhận thấy các dấu hiệu tiền mãn kinh ở độ tuổi ngoài 40. Một số phụ nữ bắt đầu có các triệu chứng tiền mãn kinh ở độ tuổi ngoài 30. Mãn kinh trước 40 tuổi được gọi là mãn kinh sớm, có thể do một số vấn đề sức khỏe hoặc thủ thuật y tế gây ra.

Tiền mãn kinh ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, lượng estrogen sẽ giảm. Đó là một nội tiết tố nữ quan trọng đóng vai trò duy trì chức năng của nhiều hệ cơ quan, bao gồm cả hệ sinh sản của nữ giới. Mức độ estrogen có thể tăng giảm không đều trong suốt thời kỳ tiền mãn kinh.

Khi đến tuổi mãn kinh, cơ thể tạo ra rất ít estrogen đến mức buồng trứng không còn giải phóng thêm trứng nữa. Khi đó người phụ nữ sẽ không còn thấy kinh nữa.

Triệu chứng và nguyên nhân tiền mãn kinh

Các triệu chứng của tiền mãn kinh

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, hầu hết phụ nữ có các triệu chứng giống như mãn kinh, bao gồm:

  • Giảm ham muốn tình dục
  • Bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi ban đêm
  • Mất ngủ
  • Kinh nguyệt không đều
  • Thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh hoặc trầm cảm
  • Són tiểu (tiểu không tự chủ)
  • Khô âm đạo

Một số triệu chứng thường gặp ở giai đoạn tiền mãn kinh (Ảnh: Internet).

Giảm estrogen cũng có thể dẫn đến loãng xương hoặc thay đổi mức cholesterol trong máu. Trong thời kỳ tiền mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh loãng xương và bệnh tim mạch tăng lên. Tốt nhất là phụ nữ tiền mãn kinh nên kiểm tra và theo dõi sức khỏe định kỳ.

Nguyên nhân của tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là do chức năng của buồng trứng suy giảm có thể khiến quá trình rụng trứng trở nên thất thường hoặc chấm dứt hoàn toàn. Kết quả là độ dài và lưu lượng chu kỳ kinh nguyệt có thể không đều.

Các triệu chứng của tiền mãn kinh xuất hiện do thay đổi estrogen và progesterone. Ví dụ, nồng độ estrogen có thể tăng gây ra các triệu chứng tương tự như trước kỳ kinh (hội chứng tiền kinh nguyệt). Hoặc mức độ estrogen có thể giảm gây ra các cơn bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi ban đêm.

Mỗi phụ nữ có thể trải qua thời kỳ tiền mãn kinh theo một cách khác nhau. (Ảnh: Internet)

Mức độ estrogen thay đổi có thể kết hợp với chu kỳ kinh nguyệt bình thường trong thời kỳ tiền mãn kinh. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ tiền mãn kinh có các dạng dao động nội tiết tố khác nhau, do đó mỗi phụ nữ có thể trải qua thời kỳ tiền mãn kinh theo một cách khác nhau.

Xét nghiệm và chẩn đoán tiền mãn kinh

Thông thường bác sĩ có thể chẩn đoán tiền mãn kinh dựa trên các triệu chứng. Xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone cũng khá hữu ích, nhưng nồng độ hormone thường thay đổi dần trong thời kỳ tiền mãn kinh. Tốt hơn là nên thực hiện nhiều xét nghiệm máu vào nhiều thời điểm khác nhau để so sánh.

Tuy nhiên về cơ bản thì giai đoạn tiền mãn kinh không cần phải đến gặp bác sĩ. Chỉ khi có những dấu hiệu sau đây thì bạn cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị:

  • Có nhiều cục máu đông trong kỳ kinh nguyệt
  • Xuất huyết dạng đốm li ti giữa các kỳ kinh
  • Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục
  • Các triệu chứng cảm xúc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày

Điều trị tiền mãn kinh

Điều trị tiền mãn kinh như thế nào?

Không có bất kỳ phương pháp điều trị nào để chấm dứt thời kỳ tiền mãn kinh. Đó là một phần tự nhiên của cuộc sống. Tuy nhiên bạn có thể hỏi bác sĩ về thuốc điều trị tiền mãn kinh để giúp giảm bớt các triệu chứng. Một vài phương pháp điều trị có thể là:

  • Thuốc chống trầm cảm: Giúp cải thiện tâm trạng thất thường hoặc trầm cảm.
  • Thuốc tránh thai: Giúp ổn định nồng độ hormone và thường làm giảm các triệu chứng.
  • Liệu pháp estrogen: Phương pháp này giúp ổn định lượng estrogen. Có thể dùng liệu pháp estrogen dưới dạng kem, gel, miếng dán hoặc thuốc viên uống.
  • Gabapentin (Neurontin®): Đây là một loại thuốc điều trị động kinh cũng có tác dụng làm giảm cơn bốc hỏa cho một số phụ nữ.
  • Kem bôi âm đạo: Có loại theo toa và loại không cần kê đơn. Phương pháp này có thể làm giảm cơn đau do quan hệ tình dục và giảm hiện tượng khô âm đạo.

Phụ nữ tiền mãn kinh có thể dùng một số loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ (Ảnh: Internet).

Liệu pháp estrogen có phải là phương pháp điều trị tốt?

Đối với nhiều phụ nữ, liệu pháp estrogen làm giảm các triệu chứng khô âm đạo, đổ mồ hôi đêm và bốc hỏa. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ loãng xương. Nhưng liệu pháp này không phù hợp với tất cả mọi người vì estrogen có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và một số dạng ung thư vú.

Liệu pháp hormone thường ít rủi ro hơn đối với phụ nữ trẻ. Nói chung, các bác sĩ khuyến cáo rằng những phụ nữ chọn sử dụng liệu pháp hormone nên bắt đầu trong vòng 10 năm kể từ khi có các triệu chứng mãn kinh đầu tiên và chỉ duy trì liệu pháp này không quá 5 năm.

Có thể tự điều trị tiền mãn kinh tại nhà không?

Có một số cách để giảm bớt các triệu chứng tiền mãn kinh tại nhà, chẳng hạn như:

  • Chế độ ăn uống đầy đủ trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh.
  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Cải thiện giấc ngủ bằng cách tránh màn hình điện tử và làm các hoạt động thư giãn trước khi ngủ.
  • Hạn chế rượu và caffeine.
  • Tập thiền hoặc yoga
  • Không hút thuốc lá.
  • Giảm cân nếu có chỉ định. Giảm cân giúp hạn chế các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm và cải thiện mức năng lượng của cơ thể.

Duy trì lối sống lành mạnh và cân bằng có thể làm giảm các triệu chứng của tiền mãn kinh (Ảnh: Internet).

Phòng ngừa nguy cơ tiền mãn kinh sớm

Các yếu tố nguy cơ của tiền mãn kinh sớm

Một số yếu tố có thể dẫn đến tiền mãn kinh sớm, bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có người mãn kinh sớm
  • Tiền sử hút thuốc lá
  • Đã cắt bỏ tử cung hoặc cắt buồng trứng
  • Đã từng điều trị ung thư trước đây

Làm cách nào để giảm nguy cơ mắc các biến chứng của tiền mãn kinh?

Kinh nguyệt không đều là triệu chứng phổ biến nhất của tiền mãn kinh, nhưng điều quan trọng là phải biết khi nào nên gặp bác sĩ để giải quyết vấn đề về kỳ kinh và giảm nguy cơ biến chứng bằng cách điều trị khi cần thiết. Nếu gặp những vấn đề sau, bạn nên đi khám bác sĩ:

  • Chảy máu hơn 7 ngày liên tiếp
  • Chảy máu giữa các kỳ kinh
  • Thay băng vệ sinh mỗi 1 đến 2 giờ
  • Có kinh nguyệt hơn khoảng 21 ngày một đợt

Hãy đến gặp bác sĩ khi có những dấu hiệu bất thường đáng lo ngại (Ảnh: Internet).

Tiên lượng

Thời kỳ tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?

Khoảng thời gian có thể khác nhau tùy từng người. Trung bình thời kỳ tiền mãn kinh kéo dài 4 năm. Một số phụ nữ chỉ trải qua giai đoạn tiền mãn kinh vài tháng, trong khi những người khác dài hơn 4 năm.

Tiền mãn kinh là giai đoạn dần chuyển sang mãn kinh. Trong thời kỳ này có thể xuất hiện các triệu chứng tương tự như mãn kinh (bốc hỏa, thay đổi tâm trạng hoặc khô âm đạo). Hầu hết các triệu chứng đều có thể kiểm soát được, nhưng nếu bạn cần sự giúp đỡ từ bác sĩ thì luôn có các loại thuốc và phương pháp điều trị hiệu quả.

Nhớ theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thêm tin tức về sức khỏe nhé!

  • Bổ sung sắt cho cơ thể có lợi ích ra sao, khi nào cần và phải lưu ý những gì?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *