Viêm ruột thừa đau ở chỗ nào trên bụng? Có phải phẫu thuật là cách duy nhất để làm hết đau ruột thừa? Và sau khi cắt có để lại hậu quả gì về lâu dài hay không? Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu những sự thật về căn bệnh cực kỳ phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ này nhé!
1. Ruột thừa nằm ở vị trí nào trong cơ thể và có chức năng gì?
Ruột thừa là một cơ quan nhỏ dạng ống dài khoảng 7,5-15 cm, nằm ở phần dưới bên phải của ổ bụng, điểm nối giữa ruột non và ruột già (đại tràng).
Tuy nhiên có không ít trường hợp ruột thừa lại nằm ở các vị trí khác, thậm chí nằm ở bên trái, có thể do cấu trúc bẩm sinh hoặc ở người già, phụ nữ mang thai, v.v. Tùy từng vị trí của ruột thừa mà triệu chứng cũng có thể thay đổi rất đa dạng.
Chức năng của ruột thừa vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Nhiều người tin rằng đó là một cơ quan cần thiết đối với tổ tiên của loài người nhưng hiện nay đã thoái hóa và không quan trọng nữa. Trong khi đó một số nhà khoa học cho rằng ruột thừa có thể là nơi lưu trữ các vi khuẩn có lợi giúp hỗ trợ tiêu hóa và miễn dịch.
2. Viêm ruột thừa là gì?
Nếu ruột thừa bị tấn công bởi các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus hoặc nấm, nó có thể bị viêm và dẫn đến bệnh viêm ruột thừa. Tình trạng này đôi khi rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng có thể giống với các vấn đề sức khỏe khác bắt nguồn từ các cơ quan lân cận trong bụng.
Theo số liệu tại Mỹ, viêm ruột thừa ảnh hưởng đến 5% dân số nước này, khiến nó trở thành nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng cấp tính cần phẫu thuật ở Mỹ.
3. Nguyên nhân gây viêm ruột thừa là gì?
Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ về nguyên nhân chính xác gây viêm ruột thừa, nhưng có một số yếu tố được cho là góp phần dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
- Sự tắc nghẽn của lỗ thông giữa ruột thừa với “ruột chính”, khiến cho vi khuẩn bên trong xâm nhập vào thành của ruột thừa. Hầu hết các trường hợp viêm ruột thừa là do phân, ký sinh trùng hoặc dị vật bị mắc kẹt bên trong và làm tắc lỗ thông. Khi đó ruột thừa sẽ bị kích thích, dẫn đến viêm và nhiễm trùng.
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa
- Các bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng
- Chấn thương vùng bụng
4. Viêm ruột thừa có triệu chứng như thế nào?
Các triệu chứng của viêm ruột thừa diễn tiến trong vòng vài giờ đến vài ngày và thường bắt đầu với cơn đau nhẹ gần rốn, sau đó di chuyển đến phần dưới bên phải của bụng và đau nhiều hơn.
Cơn đau ruột thừa thường nặng hơn khi bạn cố gắng di chuyển, hít thở sâu hoặc ho, hắt hơi. Đôi khi cơn đau xuất hiện đột ngột và có thể rất dữ dội, khác với những cơn đau bụng mà bạn từng gặp phải trước đây.
Các triệu chứng khác của viêm ruột thừa bao gồm:
- Ăn không ngon
- Buồn nôn, có thể nôn hoặc không
- Bụng chướng hơi, khó tiêu
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Sốt
- Đau ở những vị trí khác của bụng, ở lưng, hoặc ở vùng gần hậu môn
- Đi tiểu đau
- Cảm giác khó chịu, mệt mỏi khắp người
5. Viêm ruột thừa được điều trị như thế nào?
Viêm ruột thừa là một tình trạng cấp cứu. Nếu bạn thấy bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ thì hãy đến thẳng phòng cấp cứu hoặc gọi 115 ngay lập tức. Nếu đó đúng là viêm ruột thừa, bạn sẽ được phẫu thuật khẩn cấp để cắt bỏ ruột thừa.
Cắt ruột thừa là phương pháp được sử dụng đầu tiên và phổ biến nhất để điều trị bệnh này, cũng là cách duy nhất có thể đảm bảo ruột thừa không bị thủng, vỡ và gây các biến chứng khác nghiêm trọng hơn.
Hiện nay đa số các trường hợp có thể cắt bỏ ruột thừa bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, với ưu điểm là vết mổ nhỏ hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên phương pháp mổ mở truyền thống có thể được áp dụng nếu ruột thừa đã vỡ và nhiễm trùng lan ra khắp ổ bụng. Bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về cách phẫu thuật nào phù hợp nhất.
Mặc dù phẫu thuật cắt ruột thừa là phương pháp điều trị tiêu chuẩn nhưng không phải là lựa chọn duy nhất đối với người bệnh. Một số trường hợp viêm ruột thừa nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh và theo dõi, đặc biệt hữu ích ở các bệnh nhân không thể phẫu thuật, chẳng hạn như người mới bị đau tim trước đó không lâu, người mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác và phụ nữ trong ba tháng đầu của thai kỳ.
Nghiên cứu mới cũng cho thấy một số bệnh nhân có thể được hưởng lợi từ điều trị không phẫu thuật. Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy: gần 3/4 số người bị viêm ruột thừa được điều trị bằng kháng sinh có thể không cần phẫu thuật. Nghiên cứu này cho biết chụp CT có thể phát hiện xem bệnh nhân bị viêm ruột thừa nhẹ hay nặng để xác định có cần phẫu thuật hay không.
6. Viêm ruột thừa có thể gây tử vong
Sở dĩ viêm ruột thừa được xem là tình trạng cấp cứu y tế là vì nếu không được điều trị thì người bệnh có thể tử vong.
Ruột thừa chứa rất nhiều vi khuẩn mà trong điều kiện bình thường là hoàn toàn vô hại, nhưng khi xảy ra viêm ruột thừa, các vi khuẩn này sẽ tấn công vào thành ruột. Nếu không được điều trị, thành ruột thừa có thể bị vỡ làm cho các chất bên trong tràn ra xung quanh và gây tình trạng gọi là viêm phúc mạc, sau đó vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy các cơ quan nội tạng và tử vong.
Ruột thừa bị viêm có thể dẫn đến vỡ chỉ sau 48 đến 72 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Trong nhiều trường hợp, người bệnh không nhận ra mình bị viêm ruột thừa cho đến khi nó đã vỡ, thường gặp ở trẻ nhỏ, người già và phụ nữ mang thai.
7. Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm ruột thừa?
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở tất cả mọi người, nhưng thường gặp nhất trong độ tuổi từ 10 đến 30 và ít khi xảy ra ở trẻ em. Nam giới có tỷ lệ cao hơn một chút so với nữ giới, và người da trắng được chẩn đoán mắc bệnh này với tỷ lệ cao hơn 1,5 lần so với các chủng tộc khác.
8. Cắt bỏ ruột thừa có gây ra ảnh hưởng gì về lâu dài không?
Phẫu thuật cắt ruột thừa sẽ loại bỏ ruột thừa bị viêm, giúp tránh nguy cơ bị vỡ và nhiễm trùng. Sau phẫu thuật, hầu hết người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 2 đến 6 tuần và không gặp vấn đề sức khỏe nào đáng kể về lâu dài. Trên thực tế, mọi người thậm chí không cần phải thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc lối sống hằng ngày so với trước khi bị bệnh.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ruột thừa có thể hỗ trợ miễn dịch, nhưng không phải là thiết yếu. Sau khi cắt ruột thừa, các cơ quan khác sẽ đảm nhận chức năng miễn dịch của nó, do vậy cơ thể sẽ không bị ảnh hưởng gì đáng kể. Sau khi hồi phục hoàn toàn, bạn có thể thực hiện tất cả các hoạt động hằng ngày trước đây của mình.
Tuy nhiên cũng như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào khác, cắt ruột thừa vẫn có khả năng xảy ra rủi ro. Các sự cố không mong muốn của phẫu thuật nói chung là phản ứng dị ứng với thuốc mê, chảy máu, cục máu đông và nhiễm trùng. Riêng đối với cắt ruột thừa có thể tiềm ẩn các nguy cơ như tắc ruột, viêm phổi, tổn thương các cơ quan khác, và ruột bị hở.
Nếu bạn bị đau bụng dữ dội, sốt, ớn lạnh hoặc đi đại tiện ra máu sau khi thực hiện cuộc mổ thì hãy báo ngay với nhân viên y tế, vì đó có thể là dấu hiệu của biến chứng.
Thời gian nằm lại tại bệnh viện sẽ tùy thuộc vào loại phẫu thuật và ruột thừa có bị vỡ hay không. Các bác sĩ thường khuyến khích người bệnh ra khỏi giường và bắt đầu đi bộ sớm sau khi phẫu thuật, điều này giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông và giúp bụng hoạt động trở lại. Hầu hết mọi người có thể thực hiện các hoạt động bình thường trong vòng 1 đến 2 tuần sau đó.
Trên đây là những lưu ý bạn cần nhớ về viêm ruột thừa, vấn đề rất phổ biến và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy lan tỏa những kiến thức hữu ích để cuộc sống luôn khỏe mạnh và tươi vui bạn nhé!
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!