Cứ 10 người thì có 1 người sợ tiêm. Trong thời kì dịch bệnh COVID-19 hiện nay, các nhà nghiên cứu đang ra sức tìm một biện pháp tiêm vaccine mà không dùng tới kim tiêm. Kết quả đã có 2 kiểu truyền vaccine mới ra đời, đó là dùng miếng dán vi kim và súng bong bóng. Đây là giải pháp nhanh chóng, tiện lợi mà không gây đau đớn. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nhé!
Ống kim tiêm truyền thống
Tiêm bằng ống tiêm là như thế nào?
Kim tiêm được phát minh vào năm 1853 bởi Alexander Wood và Charles Pravaz. Ống kim tiêm ra đời giúp y tá hay bác sĩ sử dụng được đúng liều lượng vaccine và ít đau đớn hơn so với dùng lông ngỗng hay ống rỗng thô sơ thời xưa.
Để tiêm vaccine bằng ống kim, nhân viên y tế đầu tiên sẽ lấy dung dịch vaccine từ tủ lạnh ra ngoài, sau đó dùng ống tiêm hút chất lỏng vào, cuối cùng là dùng kỹ thuật của mình để tiêm vaccine đó vào cơ thể bệnh nhân.
Đầu mũi kim có lỗ nhỏ để truyền vaccine từ xi lanh sang cơ thể của người được tiêm, thường là tiêm vào cơ hoặc dưới da. Theo nghiên cứu, nếu tiêm vào da sẽ cho tác dụng tốt hơn, nhưng khó thực hiện và gây đau nhiều hơn.
Ưu điểm
- Đã trải qua quá trình phát minh, nghiên cứu và phát triển từ lâu nên có thể sử dụng ở hiện tại để chống lại dịch bệnh.
Nhược điểm
- Gây sợ hãi và đau đớn cho người được tiêm.
- Gây ô nhiễm môi trường, vì ống kim tiêm làm bằng nhựa rất khó phân hủy.
- Đòi hỏi kỹ thuật cao. Để tiêm được vaccine phải có sự giúp đỡ của các nhân viên y tế đã được đào tạo và rèn luyện cách tiêm, người bình thường không thể tự tiêm được.
- Bảo quản vaccine khó khăn, đặc biệt là khâu vận chuyển phải giữ ở nhiệt độ rất lạnh.
Nanopatch – Miếng dán vi kim
Miếng dán vi kim là gì và cách sử dụng như thế nào?
Miếng dán được phát minh bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford và Đại học Bắc Carolina (Mỹ), hiện tại đang được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland (Úc) kết hợp với công ty Vaxxas.
Đây là một miếng dán có tên High Density Microarray Path (HD-MAP), hay gọi tắt là miếng dán vi kim. Miếng dán có hình vuông, kích thước 9x9mm. Cách sử dụng là áp lên da trong vòng 10 giây rồi gỡ ra. Chỉ đơn giản như vậy là xong, không đau đớn như kim tiêm. Cảm giác chỉ như dùng móng tay búng nhẹ vào da vậy đó.
Miếng dán có thể được bảo quản ở nhiệt độ 25°C trong vòng 1 tháng hoặc 40°C trong 1 tuần, trong khi các loại vaccine tiêm đòi hỏi phải bảo quản cực kì lạnh gây khó khăn cho một số quốc gia chưa phát triển. Đặc biệt là miếng dán có thể được gửi qua đường bưu điện như hàng hóa thông thường.
Nguyên tắc hoạt động
Miếng dán có cấu trúc chứa 1000-3000 vi kim nhỏ kích thước 250 micron và được phủ bằng vaccine HexaPro. Các vi kim này có tác dụng chuyển vaccine vào lớp trung bì và thượng bì của da, nơi có nhiều tế bào miễn dịch. Đưa vaccine vào da sẽ hiệu quả hơn là vào cơ hay dưới da, do vậy có thể nói miếng dán sẽ hiệu quả cao hơn kim tiêm.
Loại vaccine này cũng có thể chống được các biến thể virus như biến thể được phát hiện ở Anh và Nam Phi. Thử nghiệm miếng dán Nanopath trên chuột đã thành công và cho kết quả tạo miễn dịch gấp 10 lần so với kim tiêm.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Queensland và công ty Vaxxas đang tìm kiếm nhà tài trợ để tiến hành quá trình thử nghiệm lâm sàng và đưa vào sử dụng. Đã có một nhà sản xuất thiết bị ở Đức đang hỗ trợ Vaxxas đẩy nhanh tiến độ. Sắp tới, các nhà nghiên cứu có thể sẽ tích hợp vaccine của Pfizer và Moderna vào miếng dán này.
Cần khoảng 2 năm nữa để thử nghiệm hòa thành và được các cơ quan pháp lý chấp thuận. Nhóm nghiên cứu cũng đang gặp một khó khăn là quá trình sản xuất miếng dán cần điều kiện nơi sản xuất, người lao động và máy móc cần phải vô trùng. Làm sao để đảm bảo được điều này khi sản xuất công nghiệp là một vấn đề khó khăn.
Ưu điểm
- Không gây đau đớn hay để lại sẹo.
- Dễ dàng bảo quản và vận chuyển giữa các quốc gia. Có thể gửi trực tiếp đến nhà người dân qua đường bưu điện.
- Dễ dàng sử dụng, ai cũng có thể tự dán từ người lớn đến trẻ nhỏ vì không đòi hỏi nhiều kĩ thuật, tiện lợi và dễ dàng giống như bộ test COVID-19.
- Giảm gánh nặng cho nhân viên y tế để họ có thêm thời gian làm những việc khác quan trọng hơn.
- Tránh tụ tập đông người. Chỉ cần đến bệnh viện để mua miếng dán hoặc đặt online nhanh chóng chứ không cần người dân tụ tập chờ tiêm nữa.
- Cần ít lượng vaccine nên sẽ có nhiều người được tiêm hơn. Chỉ cần dùng 1/6 lượng vaccine so với kim tiêm mà vẫn cho kết quả tương tự.
- Chỉ cần một liều là đã có tác dụng, đỡ mất thời gian của người đi tiêm.
Nhược điểm
- Vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, chưa áp dụng được trên thực tế.
Súng bong bóng
Tiêm thuốc bằng “súng bong bóng” là như thế nào?
Người phát minh ra súng bong bóng này là David Fernandez Rivas đến từ Hà Lan. Đó là thiết bị dùng tia laser để bắn những giọt vaccine siêu nhỏ vào cơ thể người. Thời gian nhanh hơn cả muỗi đốt và không hề để lại vết tích nào trên da, cũng không gây đau đớn vì không chạm vào dây thần kinh trong da.
Nguyên tắc hoạt động
Trong súng bong bóng, laser sẽ chiếu vào bình thủy tinh làm cho nó nóng lên từ đó tạo ra bong bóng trong dung dịch vaccine, bong bóng sẽ đẩy vaccine ra khỏi “súng” và đi xuyên qua lớp ngoài của da người với tốc độ khoảng 100km/h trong thời gian cực ngắn.
Súng bong bóng đã được thử nghiệm thành công trên mẫu mô với tài trợ 1,73 triệu USD từ Liên minh Châu Âu. Trong tháng 10/2021 này các nhà nghiên cứu đang gửi đơn xin tài trợ để thử nghiệm trên cơ thể người. Nếu thành công thì cần khoảng 1-3 năm mới có thể bắt đầu sản xuất và sử dụng, tùy vào quá trình nghiên cứu và cấp phép sản xuất.
Ưu điểm
- Không đau đớn vì dùng tia laser với tốc độ bắn tia vaccine rất nhanh
- Nhanh chóng, vaccine được bắn vào da trong vòng chưa đến một phần nghìn giây
- Không nhiễm khuẩn. Nếu ống tiêm không được sử dụng đúng cách sẽ dễ làm nhiễm khuẩn, còn súng laser thì không.
- Giảm chất thải y tế, bảo vệ môi trường.
Nhược điểm
- Cần một thời gian dài nữa mới được đưa vào sản xuất và sử dụng, sớm nhất là hơn 1 năm nữa.
Cám ơn các bạn đã đọc bài viết. Hy vọng bài viết cung cấp thêm cho bạn những thông tin giá trị vào thời điểm hiện nay. Chúc các bạn một ngày an lành.