Những “thủ phạm” có thể gây nhiễm độc chì ngay tại nhà, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ

Chì là kim loại nặng cực độc đối với sức khỏe con người, nhiễm độc chì có thể gây hại cấp tính hoặc lâu dài cho nhiều cơ quan và để lại di chứng nặng nề, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Nhưng bạn có biết ngay cả những đồ vật quen thuộc trong nhà cũng có thể là nguồn chứa chì độc hại? Hãy cùng xem đó là gì nhé.

Nhiễm độc chì nguy hiểm như thế nào đối với sức khỏe?

Tiếp xúc với chì có thể làm tổn thương não vĩnh viễn và làm giảm sự phát triển trí tuệ. Đối với trẻ em, nguy cơ nhiễm chì và tác hại đối với sức khỏe có thể thay đổi tùy theo môi trường sống, giai đoạn phát triển và hành vi của trẻ.

Trẻ em thường bị ảnh hưởng nặng nề hơn người lớn (Ảnh: Internet).

Trẻ em dưới 5 tuổi đặc biệt dễ bị nhiễm chì vì:

  • Thói quen hay đưa tay và các đồ vật vào miệng
  • Cơ thể của trẻ hấp thụ và giữ lại chì từ đường ruột và đường hô hấp nhiều hơn so với người lớn
  • Bộ não đang phát triển của trẻ nhạy cảm hơn với tác động của chì.

Các trẻ mắc chứng pica – thích ăn những thứ không phải thực phẩm như đất, sơn tường, hoặc các đồ vật nhỏ – cũng có nguy cơ nhiễm chì cao hơn. Việc trang trí hoặc sửa sang nhà cửa tạo ra nhiều bụi và sơn bong tróc cũng là nguồn chứa chì nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Thai nhi trong bụng mẹ cũng có nguy cơ nhiễm độc nếu mẹ nuốt phải chì, vì chất này có thể dễ dàng đi qua nhau thai, cũng như đi qua sữa và gây độc cho trẻ đang bú mẹ.

Nhiễm chì có triệu chứng như thế nào?

Nhiễm độc chì ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể (Ảnh: Internet).

Nhiễm chì có thể gây ảnh hưởng khác nhau với từng người, triệu chứng thường phụ thuộc vào đường tiếp xúc. Một số trường hợp có thể hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng.

Tiếp xúc với một lượng lớn chì trong thời gian ngắn gây nhiễm độc cấp tính, thường có các biểu hiện như:

  • Đau cơ
  • Mệt mỏi
  • Đau bụng
  • Đau đầu
  • Buồn nôn và nôn
  • Co giật
  • Hôn mê

Nếu tiếp xúc với lượng chì nhỏ hơn trong thời gian kéo dài sẽ gây nhiễm chì mãn tính với triệu chứng như:

  • Tâm trạng cáu gắt
  • Mệt mỏi, uể oải
  • Ăn ko ngon
  • Kết quả học tập kém
  • Hành vi bất thường
  • Khả năng phối hợp vận động kém
  • Chậm phát triển

Nhưng lưu ý các triệu chứng này cũng có thể do bệnh lý khác gây ra, vì vậy phải đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Những nguồn gây nhiễm chì ngay xung quanh chúng ta

Có thể bạn đã nghe về những vụ ngộ độc chì do nguồn nước sinh hoạt, nhưng đó không phải là con đường duy nhất để chì xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Kim loại độc hại này luôn có mặt trong nhiều loại sản phẩm mà mọi người thường cho là vô hại.

Tiếp xúc với chì ở mức rất thấp và không thường xuyên sẽ không gây vấn đề gì, nhưng nếu bị nhiễm lâu dài với liều cao từ nhiều nguồn khác nhau có thể đe dọa sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú. Dưới đây là một số thủ phạm gây nhiễm chì hàng ngày mà bạn không ngờ tới.

Sơn

Hãy dùng các loại sơn không chứa chì (Ảnh: Internet).

Chì thường được thêm vào sơn, từ sơn nội ngoại thất ở nhà cho đến các loại sơn dùng cho văn phòng làm việc, trường học và các cơ sở sản xuất. Sơn có chứa chì đã bị cấm sử dụng cho nhà cửa, đồ chơi trẻ em và đồ nội thất gia đình ở Mỹ từ năm 1978, nhưng thực tế chúng vẫn còn tồn tại trên tường nhà và đồ gỗ lâu năm. Hầu hết các trường hợp ngộ độc chì ở trẻ em là do nuốt các mảnh sơn có chứa chì.

Bụi trong nhà

Những ngôi nhà dùng sơn chứa chì trên tường và trên cửa thường tạo ra bụi nhiễm chì. Trẻ em không nuốt phải bụi với lượng lớn nhưng bụi có thể dính trên tay khi trẻ bò trên sàn nhà. Bụi cũng có thể rơi vào thức ăn và bay lơ lửng trong không khí, từ đó xâm nhập vào đường hô hấp.

Đường ống nước

Ngay cả khi nguồn nước không bị ô nhiễm nhưng đường ống và các bộ phận khác trong hệ thống dẫn nước có thể bị hàn bằng chì, từ đó làm cho chì thấm vào nước.

Nước sinh hoạt có thể bị nhiễm chì do đường ống (Ảnh: Internet).

Đồ hộp và kẹo kém chất lượng

Việc dùng chì để hàn trong hộp đựng thực phẩm đã bị cấm ở Mỹ, nhưng ở một số nước khác vẫn được dùng. Ngoài ra chì cũng có thể xuất hiện trong giấy gói kẹo.

Đồ chơi

Đồ chơi kém chất lượng có thể chứa hàm lượng chì cao, đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì trẻ có thể nhai và nuốt chúng. Các miếng xếp hình hay búp bê có thể dùng sơn chứa chì, các mảnh kim loại nhỏ có thể được hàn bằng chì để gắn với nhau. Các loại đồ chơi giá rẻ không rõ nguồn gốc là mối nguy cơ hàng đầu gây nhiễm chì cho trẻ nhỏ.

Cây cỏ

Chì là một kim loại tự nhiên có trong đất, do đó các loại thảo mộc và nguyên liệu tự nhiên cũng có thể bị nhiễm chì.

Đất

Sơn và bụi chì có thể tích tụ trong đất xung quanh một tòa nhà mới sơn, sau đó dễ dàng phát tán hoặc nhiễm vào cơ thể khi trẻ em chơi đùa. Thậm chí việc sơn lại hàng rào hay đồ đạc ở gần đó cũng có thể gây nhiễm chì vào đất.

Đồ gốm sứ, pha lê

Hãy cẩn thận với những món đồ trông rất đẹp mắt này (Ảnh: Internet).

Đất nung và men tráng đồ gốm có thể chứa chì. Mặc dù nhìn rất đẹp nhưng không nên dùng những đồ này để đựng thức ăn. Pha lê cũng có thể được cho thêm chì trong quá trình sản xuất. Nếu bạn tự làm đồ gốm hoặc kính màu tại nhà thì các sản phẩm bạn sử dụng cũng có thể chứa chì.

Mỹ phẩm

Các loại bột mỹ phẩm truyền thống được làm từ đất có thể chứa hàm lượng chì rất cao, nhưng ngay cả son môi hiện đại cũng được phát hiện chứa chì từ nhiều năm qua, theo báo cáo của Mother Jones. Vào năm 2007, Chiến dịch Mỹ phẩm An toàn (Campaign for Safe Cosmetics) đã kiểm tra các sản phẩm trên thị trường và phát hiện 61% có chứa chì.

Các sản phẩm công nghiệp khác

Người lao động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và đặc biệt là công nhân trong lĩnh vực xây dựng có nguy cơ bị nhiễm chì cao, chủ yếu do tiếp xúc với các vật liệu và sản phẩm có chứa chì. Nhiễm chì cũng xảy ra trong quá trình cải tạo hoặc phá dỡ các công trình có dùng sơn chứa chì.

Làm cách nào để phòng ngừa nhiễm chì?

Những việc đơn giản dưới đây sẽ giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với chì tại nhà:

  • Nếu bạn nghi ngờ nhà của mình có dùng sơn chứa chì thì đừng tự cạo sơn, mà hãy tìm các đơn vị thi công chuyên nghiệp để thực hiện an toàn.

Cạo sơn có thể làm bụi chì bay ra (Ảnh: Internet).

  • Khi trang trí hoặc sửa sang nhà cửa phải cẩn thận để ít tạo ra bụi và ít xáo trộn bề mặt sơn cũ. Phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi không nên có mặt tại khu vực đang thi công.
  • Chọn thực phẩm cẩn thận: không dùng đồ đóng hộp và kẹo không đảm bảo chất lượng, chọn các sản phẩm đã được xác nhận không chứa chì.
  • Chọn các loại mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe uy tín, được chứng nhận an toàn từ các nhà sản xuất có thương hiệu. Kiểm tra thành phần của sản phẩm để đảm bảo không chứa chì.
  • Đối với người làm việc ở môi trường nguy cơ cao phải tuân thủ quy định an toàn như sử dụng đồ bảo hộ đúng cách và rửa tay sạch. Không mang quần áo từ nơi làm việc về nhà để giặt chung với đồ của gia đình.
  • Không cho trẻ em tiếp xúc với nguồn chứa chì như tường nhà cũ, đồ nội thất, đồ chơi kém chất lượng. Thường xuyên rửa đồ chơi, đồng thời rửa tay rửa mặt cho trẻ trước khi ăn và ngủ.
  • Lau nhà thường xuyên để loại bỏ bụi hoặc vụn sơn bong tróc ra. Nên lau ướt để tránh làm bụi bay vào không khí.
  • Không đựng đồ ăn thức uống trong các đồ bằng gốm sứ không đảm bảo chất lượng.

Trên đây là những lưu ý để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh, nhất là trẻ em khỏi nguy cơ nhiễm độc chì. Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *