Thận là cơ quan phụ trách việc lọc máu và thải các chất độc ra khỏi cơ thể, do đó nếu thận bị tổn hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Nhưng bạn có biết rằng một số yếu tố sinh hoạt hằng ngày, từ chế độ ăn cho tới cân nặng cơ thể, chính là nguyên nhân làm cho thận suy yếu một cách âm thầm và dẫn đến bệnh thận? Hãy cùng xem những nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào nhé!
Thường xuyên dùng thực phẩm đóng gói đã qua chế biến
Hầu hết thực phẩm đã qua chế biến đều chứa nhiều muối natri, không chỉ có hại cho hệ tim mạch như góp phần làm tăng huyết áp mà còn có thể gây ra các vấn đề về thận.
Khi ăn vào quá nhiều muối, cơ thể buộc phải thải bớt natri ra ngoài thông qua nước tiểu và quá trình này cần có canxi đi cùng. Khi có quá nhiều canxi trong nước tiểu sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Bản Hướng dẫn chế độ ăn uống của Mỹ khuyến cáo chỉ nên giới hạn lượng muối natri một người bình thường ăn trong 1 ngày là không quá 2.300 miligam, nhưng rất nhiều người trong chúng ta ăn nhiều hơn mức đó, thậm chí gấp đôi.
Khi mua đồ đóng gói, bên cạnh các chất dinh dưỡng chủ yếu như carbs, protein, chất béo và calo, bạn hãy xem bảng thành phần dinh dưỡng để biết lượng natri có trong thực phẩm đó, thường là rất nhiều.
Tình trạng tăng huyết áp không kiểm soát
Huyết áp cao ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể, trong đó có cả thận. Thận có cấu tạo gồm rất nhiều mạch máu để thực hiện chức năng lọc máu. Khi bị tăng huyết áp, áp lực của máu trong các mạch máu lớn và mạch máu nhỏ đều tăng cao có thể dẫn đến làm tổn thương các mạch máu ở thận, thậm chí tạo ra sẹo thận làm giảm chức năng của cơ quan này về lâu dài.
Hút thuốc lá
Ung thư phổi không phải là bệnh duy nhất liên quan đến hút thuốc lá. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy rằng bỏ hút thuốc lá ít nhất 16 năm sẽ giảm 40% nguy cơ ung thư biểu mô tế bào thận – dạng ung thư thận phổ biến nhất ở người lớn. Thêm vào đó, thuốc lá có thể làm tổn thương các mạch máu và làm tăng nguy cơ cao huyết áp, từ đó lại làm suy yếu thận hơn nữa.
Ít uống nước
Bạn đã nghe lời khuyên “uống 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh”? Thực ra bạn có thể bổ sung nước từ các loại đồ ăn và thức uống khác, và không nhất thiết phải đủ 2 lít nước thì thận mới hoạt động tốt. Tuy nhiên nếu uống quá ít nước sẽ thực sự làm hại thận.
Thiếu nước không chỉ làm cho thận khó thải natri ra ngoài mà còn làm bạn dễ bị hạ huyết áp. Thận là cơ quan rất nhạy cảm với lưu lượng máu được cung cấp đến nó, mà khi cơ thể thiếu nước và hạ huyết áp thì sẽ làm giảm lượng máu đến thận.
Trong điều kiện bình thường, cơ thể chúng ta hiếm khi rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng đến mức hạ huyết áp. Tuy nhiên nếu bạn tập thể dục ra mồ hôi nhiều hoặc ở ngoài trời vào mùa nóng thì hãy bổ sung đủ nước bằng cách uống nước thường xuyên.
Uống thuốc giảm đau quá nhiều
Những người mắc chứng đau mãn tính phải dùng các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn rất thường xuyên, trong đó có các thuốc được gọi là NSAID (thuốc chống viêm không steroid) như ibuprofen và aspirin có tác dụng phụ là làm giảm lượng máu đến thận và gây độc cho thận, có nguy cơ gây ra sẹo thận.
Điều đó không có nghĩa là bạn phải chịu đau và không được dùng thuốc, nhưng nên hạn chế dùng NSAID quá thường xuyên, thay bằng thuốc khác hoặc các phương pháp giảm đau tự nhiên không dùng thuốc. Đặc biệt đối với những người đã bị tổn thương thận thì nên tránh hoàn toàn NSAID.
Dùng các sản phẩm bổ sung không đảm bảo an toàn
Nhiều sản phẩm bổ sung và thuốc dân gian được quảng cáo là “tự nhiên” nhưng chưa chắc đã tốt cho cơ thể của chúng ta. Có rất nhiều loại thảo dược tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng tới thận. Một trong những ví dụ điển hình là chất axit aristolochic có trong các loại cây thuốc dân gian có thể gây ra sẹo thận. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo người tiêu dùng phải tránh các sản phẩm có ghi thành phần là Aristolochia, Asarum hoặc Bragantia vì chúng có thể chứa chất độc này.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng: ngoại trử các loại vitamin tổng hợp thông thường, còn lại hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào.
Thừa cân
Thừa cân luôn có hại cho sức khỏe về tất cả mọi mặt, kể cả thận. Thừa cân là một trong những yếu tố khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, từ đó cũng tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Tình trạng rối loạn hormone insulin trong bệnh tiểu đường có thể gây ra viêm và sẹo ở thận. Bệnh tiểu đường cũng làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận và làm suy yếu chức năng lọc máu.
Các bác sĩ khuyên rằng người bệnh tiểu đường nên làm xét nghiệm chức năng thận và xét nghiệm nước tiểu thường xuyên để phát hiện những dấu hiệu tổn thương thận từ giai đoạn sớm, giúp điều trị dễ hơn.
Trên đây là những nguyên nhân rất “bình thường” nhưng có thể âm thầm hủy hoại thận của bạn. Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!