Làm thế nào để phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh đái tháo đường? Triệu chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường gây ra do lượng đường trong máu cao quá mức bình thường. Các dấu hiệu cảnh báo có thể nhẹ đến mức bạn không nhận thấy. Một số người không phát hiện ra mình mắc bệnh cho đến khi xuất hiện các biến chứng do bệnh gây ra.
Bệnh đái tháo đường là một bệnh mãn tính ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng trong cơ thể. Hầu hết thức ăn của chúng ta được tiêu hóa thành đường (glucose) và đưa vào máu. Khi lượng đường trong máu tăng lên sẽ kích thích tuyến tụy tiết ra insulin. Hormone này hoạt động như một chìa khóa để đưa đường trong máu vào các tế bào của cơ thể, từ đó sử dụng làm năng lượng.
Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào không thể sử dụng insulin một cách bình thường, dẫn đến quá nhiều đường lưu lại trong máu. Theo thời gian, lượng đường trong máu tăng cao có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, hủy hoại mắt và bệnh thận.
Dấu hiệu sớm của bệnh đái tháo đường
Đói và mệt mỏi
Cơ thể tiêu hóa thức ăn thành glucose, sau đó các tế bào bạn sử dụng để tạo thành năng lượng. Nhưng tế bào cần có insulin để hấp thụ glucose. Nếu cơ thể không sản xuất đủ hoặc có bất kỳ một rối loạn nào với insulin thì glucose không thể đi vào tế bào để chuyển thành năng lượng, khiến bạn đói và mệt mỏi hơn bình thường.
Đi tiểu thường xuyên hơn và luôn có cảm giác khát
Người bình thường đi tiểu từ 4-7 lần trong 24 giờ, nhưng người mắc bệnh đái tháo đường có thể đi tiểu nhiều hơn. Tại sao lại thế? Thông thường, cơ thể sẽ tái hấp thu glucose khi lọc máu ở thận, nhưng bệnh đái tháo đường làm tăng lượng đường trong máu vượt quá ngưỡng hấp thu của thận, từ đó tạo ra nhiều nước tiểu hơn và bạn sẽ phải đi tiểu thường xuyên hơn, lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường.
Vì đi tiểu nhiều nên bạn có thể rất khát. Khi uống nhiều nước hơn cũng khiến bạn phải đi tiểu nhiều hơn.
Khô miệng và ngứa da
Vì cơ thể bị mất nhiều nước do đi tiểu nên sẽ bị thiếu nước cho những bộ phận khác, bạn có thể cảm thấy khô miệng và da khô dẫn đến bị ngứa.
Nhìn mờ
Thay đổi cân bằng chất lỏng trong cơ thể làm cho thủy tinh thể trong mắt bị sưng lên, thay đổi hình dạng và ảnh hưởng đến thị lực.
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 1
Bệnh đái tháo đường type1 được cho là do phản ứng tự miễn dịch (cơ thể tự tấn công tế bào của mình) dẫn đến ngừng sản xuất insulin. Khoảng 5-10% những người mắc bệnh đái tháo đường thuộc type 1, thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ. Người bệnh phải dùng insulin mỗi ngày để duy trì lượng đường trong máu ở ngưỡng an toàn.
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 1 thường phát triển nhanh chóng. Thường gặp là:
Sút cân không mong muốn
Khi cơ thể không lấy được năng lượng từ thức ăn sẽ đốt cháy cơ bắp và mỡ để lấy năng lượng, do đó bạn có thể giảm cân mặc dù không thay đổi khẩu phần ăn.
Buồn nôn và nôn
Khi cơ thể đốt cháy mỡ để tạo năng lượng thì đồng thời cũng tạo ra ceton. Những chất này có thể tích tụ trong máu đến mức nguy hiểm, dẫn đến một tình trạng có thể đe dọa tính mạng gọi là nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Chính ceton là nguyên nhân có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn.
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2
Với bệnh đái tháo đường type 2, cơ thể không sử dụng được insulin như bình thường và không thể kiểm soát lượng đường trong máu. Khoảng 90-95% những người mắc bệnh đái tháo đường là thuộc type 2. Bệnh tiến triển dần trong nhiều năm và thường được chẩn đoán ở người lớn (nhưng ngày càng nhiều ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên).
Bạn có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào, vì vậy điều quan trọng là phải đi xét nghiệm lượng đường trong máu nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2 thường xuất hiện khi lượng đường trong máu đã tăng cao trong một thời gian dài. Thường gặp là:
Nhiễm trùng do nấm
Cả nam và nữ mắc bệnh đái tháo đường đều có thể mắc các bệnh này. Nấm men ăn glucose, vì vậy lượng đường trong máu cao là môi trường lý tưởng cho chúng phát triển. Nhiễm trùng có thể phát triển ở bất kỳ vùng da nào ấm và ẩm như kẽ ngón tay và ngón chân, da vùng ngực, bên trong hoặc xung quanh cơ quan sinh dục.
Vết thương chậm lành
Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và gây tổn thương dây thần kinh khiến cơ thể khó chữa lành vết thương.
Đau hoặc tê bàn chân
Đây là một hệ quả do tổn thương dây thần kinh, khiến bạn có những cơn đau hoặc cảm giác tê ở bàn chân một cách bất thường.
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường thai kỳ
Bệnh đái tháo đường thai kỳ xảy ra ở phụ nữ mang thai chưa từng mắc bệnh trước đó. Nếu mẹ bị đái tháo đường thai kỳ, em bé có thể có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe cao hơn sau này. Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường hết sau khi sinh con nhưng nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 của người phụ nữ sau này. Em bé có nguy cơ bị béo phì khi còn nhỏ hoặc ở độ tuổi thiếu niên, và dễ mắc bệnh đái tháo đường type 2 khi lớn lên.
Đường huyết cao khi mang thai thường không có triệu chứng. Bạn có thể cảm thấy khát hơn bình thường một chút hoặc đi tiểu thường xuyên hơn.
Các dấu hiệu cảnh báo biến chứng của bệnh đái tháo đường
Các dấu hiệu của biến chứng đái tháo đường type 2 có thể bao gồm:
- Vết loét hoặc vết thương chậm lành
- Ngứa da (thường quanh vùng âm đạo hoặc bẹn)
- Nhiễm trùng nấm thường xuyên
- Tăng cân không mong muốn
- Những thay đổi sắc tố da sẫm màu ở cổ, nách và bẹn, được gọi là gai đen
- Tê và ngứa ran bàn tay và bàn chân
- Giảm thị lực
- Bất lực hoặc rối loạn cương dương
Cơn hạ đường huyết
Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường glucose trong máu giảm xuống quá thấp không đủ cung cấp năng lượng cho cơ thể. Các triệu chứng bao gồm:
- Hoa mắt
- Hồi hộp, lo lắng
- Đổ mồ hôi, ớn lạnh
- Cáu kỉnh hoặc bốc hỏa
- Chóng mặt
- Đói bụng
- Buồn ngủ
- Mệt mỏi
- Đau hoặc tê ở môi, lưỡi hoặc má
Bạn cũng có thể nhận thấy:
- Tim đập nhanh
- Da nhợt nhạt
- Nhìn mờ
- Đau đầu
- Ác mộng
- Co giật
Cơn tăng đường huyết
Tăng đường huyết gây ra nhiều dấu hiệu cảnh báo của bệnh đái tháo đường đã liệt kê ở trên, bao gồm:
- Khát nhiều
- Mờ mắt
- Đi tiểu nhiều
- Hay đói
- Chân tê hoặc ngứa ran
- Mệt mỏi
- Lượng đường tăng cao trong nước tiểu
- Giảm cân ngoài ý muốn
- Nhiễm trùng da và âm đạo
- Vết thương chậm lành
Hôn mê do đái tháo đường
Tên chính thức là hội chứng tăng áp lực thẩm thấu bệnh đái tháo đường. Biến chứng này xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao và cơ thể bị mất nước nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong. Các triệu chứng bao gồm:
- Đường huyết trên 600 mg/dl
- Khô miệng
- Khát dữ dội
- Da khô, ấm, không đổ mồ hôi
- Sốt cao
- Buồn ngủ hoặc lú lẫn
- Mất thị lực
- Ảo giác
- Yếu nửa người
Tiền tiểu đường
Giai đoạn tiền tiểu đường là khi lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa tới mức để chẩn đoán là bệnh đái tháo đường type 2. Tiền tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, bệnh tim và đột quỵ.
Người bị tiền tiểu đường phải thực hiện thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh để đưa lượng đường trong máu về mức bình thường.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn trên 45 tuổi hoặc có các nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thì nên đi xét nghiệm máu. Phát hiện sớm tình trạng bệnh sẽ giúp tránh được tổn thương ở tim mạch, thần kinh và các biến chứng khác. Theo nguyên tắc chung, hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu:
Cảm thấy đau bụng, mệt mỏi và rất khát
- Đi tiểu nhiều
- Đau bụng dữ dội
- Thở sâu và nhanh hơn bình thường
- Hơi thở có mùi khác lạ, như mùi nước tẩy sơn móng tay, mùi táo thối (đây là dấu hiệu cho thấy lượng ceton rất cao).
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích bạn nhé!