Giun đũa là loài ký sinh sống trong ruột của con người. Nhiễm giun đũa xảy ra khi trứng của giun Ascaris lumbricoides xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Triệu chứng và cách điều trị giun đũa như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Nhiễm giun đũa là gì?
Nhiễm giun đũa là bệnh nhiễm trùng giun đũa trong ruột của con người, là căn bệnh phổ biến trên khắp thế giới ở những nơi điều kiện vệ sinh kém, những nơi mà mọi người có thể mang ký sinh trùng với tỷ lệ cao.
Giun đũa là loại giun ký sinh, cũng giống như giun móc. Chúng được gọi là giun truyền qua đất (STH) vì bệnh lây truyền từ đất bị nhiễm bẩn. Giun đũa trông giống như con giun đất thông thường, dài khoảng 15 đến 35 cm và chiều ngang bằng một chiếc bút chì.
Nhiễm giun đũa là một trong những bệnh ký sinh trùng phổ biến nhất ở người, lây nhiễm cho hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới. Bệnh này phổ biến nhất ở trẻ em từ 3 đến 8 tuổi. Bạn có thể bị nhiễm giun đũa nếu sống tại hoặc đi du lịch đến một khu vực trên thế giới có điều kiện vệ sinh kém. Bất kỳ ai có giun ký sinh trong ruột đều có thể lây bệnh cho người khác.
Ký sinh trùng là gì?
Ký sinh trùng là những sinh vật bắt buộc phải sống bám vào một sinh vật khác để tồn tại. Thông thường ký sinh trùng gây hại cho vật chủ của nó (sinh vật mà nó phụ thuộc vào). Giun đũa cần cơ thể của người hoặc động vật khác để trưởng thành và đẻ trứng.
Ai có nguy cơ mắc bệnh giun đũa?
Nguy cơ mắc bệnh giun đũa cao hơn ở những người đã và đang sống hoặc đi đến những nơi:
- Có khả năng xử lý vệ sinh kém
- Nơi dùng phân người làm phân bón trồng trọt
- Những khu vực ấm áp và ẩm ướt, chẳng hạn như các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á, châu Phi cận Sahara và châu Mỹ
Giun đũa lây truyền như thế nào?
Nhiễm giun đũa lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ tay đến miệng, khi một người chạm vào và nuốt phải trứng giun đũa đã thụ tinh.
Ở những nơi thiếu vệ sinh, người bị nhiễm giun đũa có thể đi đại tiện ra ngoài môi trường. Ở một số vùng, người ta dùng phân người làm phân bón cây. Phân có chứa trứng giun đũa có thể nằm trên đồng ruộng, đường phố và sân bãi. Trứng giun có thể tồn tại ở nhiệt độ và độ ẩm khắc nghiệt, kéo dài trong nhiều năm. Mọi người có thể nuốt phải trứng giun nếu:
- Chạm vào đất bị nhiễm bẩn và sau đó đưa tay vào miệng hoặc gần miệng
- Ăn trái cây và rau trồng trên đất bị nhiễm bẩn mà không rửa sạch, gọt vỏ và nấu chín
Giun đũa ký sinh trong cơ thể người như thế nào?
Sau khi trứng giun được người nuốt vào, chúng sẽ đi tới ruột, tại đó chúng nở thành ấu trùng (dạng giun chưa trưởng thành) và bắt đầu di chuyển khắp cơ thể người:
- Từ ruột, chúng đến phổi bằng cách xâm nhập vào dòng máu hoặc hệ bạch huyết
- Trong phổi, chúng đi qua các phế nang và vào cổ họng, sau đó được nuốt xuống ruột lại
- Trở lại ruột, chúng phát triển trở thành giun trưởng thành và sinh sản
- Trứng giun đã thụ tinh được thải ra ngoài môi trường theo phân, sau đó có thể lây nhiễm sang vật chủ khác
Toàn bộ quá trình này có thể mất từ 2 đến 3 tháng. Giun có thể sống trong cơ thể người đến 2 năm.
Triệu chứng của nhiễm giun đũa
Nếu chỉ có một vài con giun đũa, có thể sẽ không thấy bất kỳ triệu chứng nào. Dấu hiệu đầu tiên của nhiễm giun có thể là nhìn thấy một con giun sống trong bãi nôn hoặc phân thải ra. Nếu ấu trùng di chuyển đến phổi có thể gây triệu chứng tương tự như viêm phổi, chẳng hạn như:
- Thở khò khè
- Ho
- Sốt
Ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng rất khó chẩn đoán vì giống với các triệu chứng của nhiều bệnh khác. Khi giun đến ruột có thể gây các triệu chứng ở bụng dữ dội hơn. Càng có nhiều giun ký sinh trong cơ thể, các triệu chứng sẽ càng nghiêm trọng, bao gồm:
- Đau bụng dữ dội
- Buồn nôn và ói mửa
- Chướng bụng
- Bồn chồn
- Khó ngủ
- Suy dinh dưỡng
- Chậm tăng trưởng ở trẻ em
Trong những trường hợp nghiêm trọng, giun có thể làm tắc ruột non một phần hoặc hoàn toàn, thậm chí có thể gây viêm tuyến tụy và đôi khi đe dọa tính mạng. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn thấy những triệu chứng sau:
- Có vấn đề về bụng kéo dài hơn 2 tuần
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Nhìn thấy giun trong phân
Chẩn đoán nhiễm giun đũa như thế nào?
Khi giun đã di chuyển đến ruột của người bệnh, bác sĩ có thể chẩn đoán bằng cách soi mẫu phân để tìm trứng hoặc giun trưởng thành.
Nếu giun ở trong phổi sẽ khó phát hiện hơn. Bác sĩ có thể chẩn đoán bằng cách tìm dấu hiệu của ấu trùng giun trong phổi hoặc dịch dạ dày của người bệnh.
Có những trường hợp ho ra giun, thậm chí có thể nhìn thấy giun chui ra từ mũi. Nếu điều này xảy ra với bạn, hãy mang giun đến gặp bác sĩ để họ kiểm tra.
Điều trị nhiễm giun đũa như thế nào?
Thuốc tẩy giun là phương pháp điều trị chủ yếu cho nhiễm giun đũa. Thuốc có thể mất khoảng 1 đến 3 ngày mới có tác dụng, bao gồm những loại như mebendazole, albendazole, pyrantel pamoate.
Hầu hết các trường hợp nhiễm giun đũa không gây ra biến chứng lâu dài. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để không bị tái nhiễm giun.
Nhiễm giun đũa có cần phẫu thuật không?
Hiếm có trường hợp giun đũa gây tắc ruột, khi đó có thể phải phẫu thuật hoặc nội soi để loại bỏ giun.
Ngăn ngừa nhiễm giun đũa như thế nào?
- Không chạm vào đất có nguy cơ nhiễm bẩn và phân dùng để bón cây trồng
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn
- Nhắc nhở trẻ em rửa tay thường xuyên
- Rửa sạch, gọt vỏ và nấu chín các loại rau, đặc biệt nếu chúng được bón phân
- Không phóng uế ngoài môi trường, nhà tiêu phải có xử lý chất thải đúng cách
Tổng kết
Giun đũa là loại giun ký sinh phổ biến ở người, ban đầu có thể không gây bất kỳ triệu chứng nào. Nếu bạn đi đến khu vực có điều kiện vệ sinh kém và cảm thấy không khỏe thì hãy đến gặp bác sĩ để kịp thời thăm khám.
Thuốc tẩy giun có thể điều trị giun đũa hiệu quả và bệnh này thường không gây hậu quả lâu dài. Phòng ngừa bệnh giun đũa bằng cách rửa sạch tay và tất cả thực phẩm, đặc biệt nếu bạn đi du lịch đến các khu vực có nguy cơ cao.
Nhớ theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật tin sức khỏe thường xuyên nhé!