Bạn muốn ngăn bệnh Alzheimer đến sớm? Hãy đọc sách báo và viết lách nhiều hơn, ngay từ hôm nay!

Bệnh Alzheimer là một chứng sa sút trí tuệ và mất trí nhớ khá phổ biến, gây ra nhiều tác hại nặng nề cho cuộc sống của người bệnh, thậm chí khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên những hoạt động trí óc đơn giản mang tính sáng tạo trong cuộc sống có thể làm chậm sự xuất hiện của căn bệnh quái ác này. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Bệnh Alzheimer là gì và có nguy hiểm không?

Bệnh Alzheimer là một rối loạn thần kinh gây sa sút trí tuệ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), vào năm 2020 có khoảng 5,8 triệu người ở nước này đang phải sống chung với bệnh Alzheimer.

Bệnh Alzheimer làm "teo não" và mất dần trí nhớ (Ảnh: Internet).

Bệnh Alzheimer làm “teo não” và mất dần trí nhớ (Ảnh: Internet).

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh bao gồm suy giảm trí nhớ và lú lẫn, sau đó các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện như mất khả năng giao tiếp và co giật. Hiện nay chưa có cách nào để phòng ngừa, chữa khỏi hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự tiến triển của bệnh Alzheimer.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về bệnh Alzheimer trong bài viết: 10 sự thật về bệnh Alzheimer – Bạn đã hiểu đúng về căn bệnh quái ác này hay chưa?

Hoạt động trí óc làm các chứng sa sút trí tuệ xuất hiện trễ hơn

Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng các hoạt động kích thích trí óc – chẳng hạn như đọc sách – có liên quan với giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức như Alzheimer. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa rõ mối liên quan này mạnh đến mức nào và vì sao lại như vậy.

Trí óc được vận động thường xuyên sẽ giảm nguy cơ thoái hóa khi về già (Ảnh: Internet).

Có thể những hoạt động này làm trì hoãn sự xuất hiện các triệu chứng của bệnh Alzheimer bằng cách tăng cường “dự trữ nhận thức” – tức năng lực nhận thức và tư duy khác nhau giữa các cá nhân, được tích lũy và phát triển trong suốt cuộc đời.

Mới đây các nhà khoa học từ Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago (Mỹ) đã thực hiện một nghiên cứu tìm hiểu mối quan hệ giữa mức độ hoạt động trí óc và tuổi khởi phát bệnh Alzheimer, cùng với một số yếu tố khác.

Bác sĩ Robert Wilson, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurology, cho biết: hoạt động trí óc nhiều hơn có liên quan đến sự khởi phát trễ hơn của chứng sa sút trí tuệ, nhưng ông chưa rõ mối liên hệ này mạnh đến mức nào.

Bộ não cũng cần được kích thích vận động để khỏe mạnh lâu hơn (Ảnh: Internet).

Bác sĩ Wilson cho biết họ đã nghiên cứu về các hoạt động kích thích nhận thức hàng ngày, chẳng hạn như đọc sách báo hoặc đến thư viện – đó là hoạt động trí óc ở tuổi già có khả năng bảo vệ trí óc tốt nhất.

Các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu từ 1.903 người có độ tuổi trung bình là 79,7 tuổi tham gia vào nghiên cứu nhằm tìm hiểu về quá trình lão hóa và sa sút trí tuệ. Tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu, tất cả những người tham gia đều được xác định là không mắc chứng sa sút trí tuệ.

Sau đó họ phải trả lời 7 câu hỏi để đánh giá mức độ hoạt động nhận thức của bộ não, chẳng hạn như họ dành bao nhiêu thời gian để đọc sách báo mỗi ngày, viết thư thường xuyên đến mức nào, và tần suất chơi các trò chơi như bài, caro và đố vui.

Viết lách cũng là một cách để bắt bộ não phải vận động thường xuyên (Ảnh: Internet).

Nhóm nghiên cứu cũng thu thập thông tin về hoạt động nhận thức khi những người này còn trẻ, sự cô đơn và tham gia các hoạt động xã hội, bao gồm cả việc thăm bạn bè hoặc người thân.

Những người tham gia sau đó sẽ được thăm khám hằng năm bao gồm đánh giá tiền sử bệnh lý, kiểm tra thần kinh và thực hiện một bộ 19 bài kiểm tra nhận thức, cũng như khám nghiệm não nếu họ qua đời. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi những người này trung bình gần 7 năm, trong đó đã khám nghiệm tử thi bộ não của 695 người tham gia sau khi qua đời.

Đến thời điểm kết thúc nghiên cứu, 457 người tham gia đã xuất hiện bệnh Alzheimer. Đa số những người này có độ tuổi già hơn tại lúc bắt đầu nghiên cứu và có số năm học vấn ít hơn một chút so với những người khác.

Ai cũng muốn duy trì trí óc minh mẫn càng lâu càng tốt (Ảnh: Internet).

Kết quả cho thấy: những người già có mức độ hoạt động nhận thức cao nhất sẽ có khả năng mắc bệnh Alzheimer ở độ tuổi trung bình là 93,6 tuổi. Ngược lại, những người già có mức độ hoạt động nhận thức thấp nhất có nguy cơ mắc bệnh này ở 88,6 tuổi.

Các nhà khoa học kết luận rằng lối sống tích cực về mặt nhận thức ở tuổi già có thể trì hoãn sự khởi phát của bệnh Alzheimer tới 5 năm.

Nghiên cứu cho thấy lối sống tích cực về hoạt động trí óc có thể ngăn chặn các triệu chứng của bệnh Alzheimer và các rối loạn liên quan khác, làm chúng xuất hiện chậm hơn vài năm. Nói cách khác, những người hoạt động trí óc thường xuyên thì khi về già sẽ giảm được đáng kể thời gian sống trong trạng thái sa sút trí tuệ.

Lối sống tích cực về trí óc sẽ giúp chúng ta vui khỏe ngay cả khi về già (Ảnh: Internet).

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích sâu hơn và phát hiện ra rằng: trình độ học vấn, giới tính, hoạt động nhận thức lúc trẻ, yếu tố di truyền, hoạt động xã hội và sự cô đơn trong cuộc sống có ít hoặc không ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer. Điều này cho thấy rằng hoạt động nhận thức khi về già là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự xuất hiện của bệnh.

Hoạt động trí óc giúp cho bộ não trở nên “bền” hơn

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ cơ chế đằng sau mối liên hệ giữa hoạt động trí óc và bệnh Alzheimer, tuy nhiên họ cho rằng mức độ hoạt động nhận thức kém có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh này.

Sa sút trí tuệ là nỗi ám ảnh của tất cả những người có tuổi (Ảnh: Internet).

Một cách giải thích được đưa ra là: các hoạt động kích thích nhận thức đã dẫn đến thay đổi trong cấu trúc và chức năng của não nhằm tăng cường năng lực nhận thức. Thực hiện các hoạt động này thường xuyên có thể giúp cũng cố các liên kết thần kinh vững chắc hơn, do đó hệ thần kinh sẽ bền bỉ hơn và cần thời gian lâu hơn mới bắt đầu sa sút.

Giáo sư James Rowe chuyên về thần kinh nhận thức tại Đại học Cambridge (Anh) giải thích: hoạt động nhận thức trong suốt cuộc đời có thể giúp trì hoãn các triệu chứng, nhưng không ngăn chặn được căn bệnh tiềm ẩn đã có sẵn. Nói cách khác, các hoạt động này cung cấp cho bộ não một “nguồn dự trữ” để có thể chống lại bệnh Alzheimer tiềm ẩn, giúp chúng ta duy trì sự minh mẫn được lâu hơn.

Hoạt động trí óc giúp duy trì các liên kết thần kinh bền vững hơn khi chúng ta già đi (Ảnh: Internet).

Claire Sexton, giám đốc Chương trình Khoa học và Tiếp cận cộng đồng tại Hiệp hội Bệnh Alzheimer, cho biết: ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mức độ hoạt động trí óc là một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được đối với chứng sa sút trí tuệ. Nghiên cứu này cũng bổ sung vào điều đó khi cho thấy rằng việc duy trì bộ não hoạt động tích cực có thể trì hoãn sự xuất hiện chứng sa sút trí tuệ.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: mặc dù hoạt động nhận thức không ảnh hưởng đến những thay đổi cấu trúc não của bệnh Alzheimer, nhưng có thể giúp bộ não đối phó với bệnh lý này tốt hơn, kết quả là sự suy giảm chức năng não (tức là mất trí nhớ ở mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày) sẽ xuất hiện trễ hơn.

Như vậy các nghiên cứu đã cho thấy rõ ràng rằng hoạt động trí óc là tốt cho sức khỏe khi về già, và đó là thông điệp quan trọng dành cho tất cả mọi người: Đừng chờ đến khi đã có các biểu hiện suy giảm trí nhớ, mà hãy tìm cách ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ bằng việc tích cực hoạt động từ khi còn trẻ khỏe. Nói cách khác, chúng ta không chỉ quan tâm đến điều trị chứng mất trí nhớ mà còn phải chăm sóc sức khỏe não bộ thường xuyên nữa.

Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *