Viêm loét miệng là tình trạng thường gặp trong điều trị ung thư bằng xạ trị hoặc hóa trị, với biểu hiện như nổi các nốt đỏ, loét miệng. Chính loét miệng làm bệnh nhân ăn kém hơn và tăng nguy cơ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư. Vậy khi bị loét miệng thì chúng ta cần xử lý như thế nào? Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nhé!
Nguyên nhân gây ra tình trạng loét miệng
Hóa trị hoặc xạ trị vùng đầu cổ làm tổn thương các tế bào niêm mạc ở miệng, làm cho miệng bị lở loét, sưng và đau. Thế nhưng, tình trạng này sẽ dần cải thiện khi bệnh nhân kết thúc điều trị.
Hậu quả của tình trạng loét miệng
- Tăng nguy cơ suy dinh dưỡng do giảm lượng thực phẩm ăn vào.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vi trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết loét, đặc biệt là khi bệnh nhân không vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Cần làm gì để cải thiện tình trạng ăn uống khi loét miệng?
- Thực phẩm mềm như bún, cá phi lê, thịt thăn,… và những thực phẩm nấu chín kỹ thường dễ nhai và ít gây tổn thương các vết loét ở miệng.
- Chế biến thực phẩm ở dạng mềm, ướt thay cho dạng cứng, khô. Chẳng hạn như: Phi lê cá hấp nước tương thay vì phi lê cá tẩm bột chiên giòn.
- Đối với thực phẩm ở dạng khô cứng, nên cho thêm nước sốt để làm mềm ẩm thực phẩm. Ví dụ: Cá chiên sốt cà hay bánh mì chấm sữa.
- Lựa chọn thực phẩm dễ nhai và dễ nuốt.
- Cắt thực phẩm thành những miếng nhỏ để làm giảm bớt quá trình nhai, xé thực phẩm ở khoang miệng.
- Hút thức ăn lỏng như cháo, sữa, súp xay, sinh tố,… bằng ống hút để hạn chế thức ăn đi qua các vết loét trên khoang miệng.
- Thức ăn nên để nguội hoặc lạnh vì thức ăn nóng gây tổn thương vết loét nhiều hơn.
- Ngậm những viên đá nhỏ. Nước đá làm tê vết loét, giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.
Những thực phẩm nào cần tránh khi loét miệng?
Những loại thực phẩm sau đây có thể làm cho vết loét tệ hơn:
- Thực phẩm có vị chua như cam, chanh, tắc,…
- Các loại gia vị như tiêu, ớt, hành, gừng, cà ri,…
- Thực phẩm có vị mặn.
- Thực phẩm cứng như rau củ quả sống (cà rốt sống), snack khoai tây, các loại bánh,…
- Thức uống chứa cồn như bia, rượu, nước trái cây, trà hay cà phê lên men,…
- Khói thuốc lá.
Những vấn đề cần lưu ý khi vệ sinh răng miệng
Vệ sinh răng miệng giúp cải thiện đáng kể tình trạng loét miệng:
- Khám răng và điều trị các vấn đề về răng miệng (nếu có) trước khi bắt đầu điều trị ung thư.
- Chải răng, lưỡi, niêm mạc má nhẹ nhàng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
- Sử dụng bàn chải có lông chải nhẹ nhàng và kem đánh răng loại nhẹ.
- Súc miệng sau khi đánh răng với nước muối hoặc nước súc miệng không chứa cồn. Các bạn có thể tự pha nước muối súc miệng với công thức 1/4 muỗng cà phê muối pha với một ly nước ấm 240ml.
- Tháo răng giả khi không sử dụng và rửa sạch răng giả sau khi sử dụng.
- Nếu tình trạng loét miệng trở nên trầm trọng làm bạn không thể đánh răng được thì chỉ nên súc miệng bằng nước muối sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
- Hạn chế tối đa các loại thực phẩm có độ bám dính cao trên răng miệng như thịt xơ sợi, rau già, các loại mứt, kẹo mạch nha,…
- Không nên sử dụng tăm để xỉa răng, thay vào đó nên dùng tăm nước hoặc chỉ nha khoa.
- Kiểm tra răng miệng thường xuyên để phát hiện sớm các vết loét.
Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau .
- Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM (2019) – Dinh dưỡng học – Nhà xuất bản Y học.