Khoa học đã chứng minh, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy tại sao sữa mẹ lại tốt nhé cho bé, làm thế nào để nuôi con bằng sữa mẹ đạt hiệu quả tối ưu, cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nhé!
Nuôi con bằng sữa mẹ là vấn đề ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của bé. Trong thời đại công nghiệp ngày nay, do bận rộn với cuộc sống, do sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm đã làm hạn chế việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng có một điều chắc chắn “sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thay thế đối với con nhỏ”.
Tại sao nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất?
1. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho sự tiêu hóa và hấp thụ của bé
Sữa mẹ trong tuần đầu tiên sau đẻ gọi là sữa non, thời gian sau đó gọi là sữa trưởng thành. Có lẽ ít người biết được giá trị của sữa non đối với trẻ nhiều thế nào. Sữa non dễ tiêu hóa, hàm lượng protein, chất kháng khuẩn và nội tiết tố cao, lượng vitamin A trong sữa non cao gấp 5,10 lần so với sữa bình thường. Vì thế sữa non dù ít nhưng là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ trong những ngày đầu sau sinh.
Lượng sữa mẹ giảm dần trong quá trình nuôi con, 6 tháng đầu mẹ tiết được khoảng 600-800 ml sữa/ ngày, từ tháng thứ 6 đến tháng 12 chỉ còn 400-600 ml/ ngày. Sữa mẹ có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ như: Protein, lipid, đường, vitamin, muối khoáng,…
Sữa mẹ khác gì so với sữa bò, cụ thể thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ thế nào?
- Đạm: Đạm trong sữa mẹ (1, 07g%) tuy ít hơn sữa bò (3, 4g%) nhưng cung cấp đủ lượng acidamin cần thiết. Hơn nữa, protein trong sữa mẹ là lactambumin có phân tử lượng thấp giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn so với protein trong sữa bò (protein trong sữa bò là casein khi vào dạ dày sẽ kết tủa thành chất có thể tích lớn hơn).
- Lipid: Trong sữa mẹ có chứa acid béo là acid linoleic và men lipase. Acid linoleic là một chất rất cần thiết cho cho sự phát triển mắt, não và mạch máu của trẻ. Men lipase giúp dạ dày tiêu hóa lipid dễ hơn. Lưu ý là lượng lipid sẽ tăng cao hơn vào cuối bữa bú, vì thế nên cho trẻ bú cạn sữa mỗi lần để tận dụng lượng chất béo sẵn có này.
- Đường: Lượng đường trong sữa mẹ (7,4g%) cao hơn so với sữa bò (4,8%). Về bản chất, đường trong sữa mẹ chủ yếu là beta-lactose, còn ở sữa bò là alpha-lactose. Khi vào đến đường ruột, alpha-lactose sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn gram (-) phát triển. Chính vì vậy, ăn sữa bò trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu.
- Vitamin: Sữa mẹ có nhiều vitamin A, D, C hơn sữa bò, nên trẻ bú mẹ có thể tránh được các bệnh còi xương do thiếu vitamin D, bệnh khô mắt do thiếu vitamin A.
- Sắt: Sắt là một nguyên tố cần thiết cho sự tạo máu của cơ thể. Hàm lượng sắt trong sữa mẹ cũng cao hơn so với sữa bò.
2. Sữa mẹ giúp làm tăng khả năng kháng khuẩn cho bé
Trong 4-6 tháng đầu sau sinh, trẻ còn yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Ở thời điểm này, các kháng thể được truyền qua rau từ mẹ sang cho con đã giúp trẻ tránh được nhiều bệnh nguy hiểm như sởi, ho gà, cúm.
Sữa mẹ đảm bảo tính vô khuẩn, trẻ hoàn toàn có thể bú ngay trực tiếp, vi khuẩn không có cơ hội sinh sản trong môi trường sữa mẹ.
3. Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng cho con
Trẻ bú mẹ rất hiếm khi bị dị ứng như khi uống sữa bò. Khi uống sữa bò trẻ tiếp xúc với kháng nguyên lạ nên có thể phản ứng ở trẻ có cơ địa đặc biệt. Tuy nhiên, trong hàm lượng sữa mẹ có một chất miễn dịch là IgA sẽ chống dị ứng cho con.
4. Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ làm tăng tình mẫu tử
Nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng cơ hội tiếp xúc gần gũi giữa mẹ và con. Mỗi lần cho con bú, da kề da, mẹ âu yếm, yêu thương con, đó là tình cảm thiêng liêng, cao đẹp.
5. Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ
Việc cho con bú sữa mẹ ngay sau đẻ không chỉ mang lại lợi ích cho con mà còn có lợi với mẹ. Động tác bú mút của trẻ làm cơ thể kích thích, phản ứng co hồi cơ tử cung xảy ra giúp mẹ cầm máu tầng sinh môn. Quá trình rụng trứng cũng hạn chế, tránh việc thụ thai sớm ngay sau sinh. Trẻ bú mẹ cũng làm tăng lưu thông tuyến sữa, tránh viêm, tắc hay ung thư vú cho mẹ.
6. Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp rẻ tiền và tiện lợi nhất để cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé
Thực tế cho thấy, nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp rẻ tiền và đơn giản nhất để cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Sữa mẹ là sữa có sẵn, bé hoàn toàn có thể bú ngay, không sợ dị ứng, nhiễm khuẩn, không cần pha, nấu.
Hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ đạt hiệu quả tối ưu
Cho con bú sữa mẹ đến khi nào?
- Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh càng sớm càng tốt, tốt nhất là ngay trong giờ đầu tiên
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
- Trong quá trình chăm con, cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ có nhu cầu, dù ngày hay đêm, ít nhất 8 lần/ ngày
- Nên cho trẻ bú đến khi đạt 24 tháng (2 tuổi) hoặc hơn
Hướng dẫn cho con bú đúng cách
Tư thế bế trẻ bú đúng
- Khi cho con bú, người mẹ nên ở tư thế, tâm trạng thư giãn, thoải mái. Tuần đầu, nếu còn đau mẹ có thể cho con bú nằm, những tuần sau đó nên ngồi để cho con bú. Tránh trường hợp khi nằm không để ý, vú mẹ chèn vào làm bịt mũi trẻ, trẻ không thở được gây hậu quả đáng tiếc.
- Người mẹ chăm chú nhìn con, vuốt ve, nói chuyện ân cần với con
- Mẹ bế trẻ cẩn thận, tay đỡ toàn thân trẻ (đầu, vai, mông)
- Đầu và thân của trẻ phải được bế trên một đường thẳng
- Bụng em bé áp sát với bụng của mẹ
- Ngón tay trỏ của mẹ để phía dưới đỡ vú, ngón cái đặt bên trên, các ngón tay không để quá gần núm vú.
- Mẹ đưa núm vú chạm vào môi bé, cằm trẻ chạm vào bầu vú, chờ khi miệng bé mở rộng thì đưa núm vú vào (môi dưới của bé hướng ra ngoài).
Làm sao biết trẻ bú tốt không?
Khi cho trẻ bú, mẹ cũng nên để ý xem bé bú có tốt không, có đủ hay không để tìm hướng bổ sung dinh dưỡng cho con. Trẻ bú hiệu quả khi:
- Bé bú sâu, bú chậm, khi bú thỉnh thoảng dừng lại nuốt sữa mới bú tiếp (biểu hiện của trẻ nuốt sữa mẹ có thể nhìn thấy được là miệng chụm tròn, má căng phồng). Nếu trong khi bú, nghe thấy âm thanh bú mút của trẻ quá lớn là tư thế chưa chuẩn, có nhiều khí đi vào trong miệng khi bé bú, trẻ sẽ dễ bị nôn trớ.
- Sau khi bú đủ, trẻ tự nhả vú mẹ ra rồi ngủ ngon, không quấy khóc.
- Lưu ý: Mỗi lần nên cho con bú trong khoảng thời gian 15-20 phút, bú kiệt một bên rồi mới chuyển bên khác để tận dụng chất béo ở sữa cuối. Nếu mẹ quá nhiều sữa thì nên vắt bớt sữa đầu. Sau khi trẻ bú xong nếu vẫn còn nhiều sữa thì mẹ có thể vắt bớt để tránh ứ đọng, tồn dư. Tìm mua máy vắt sữa tiện dụng tại đây.
Hi vọng những thông tin mà Kinhnghiem360.edu.vn chia sẻ có thể giúp các mẹ cũng như cả gia đình chăm sóc sức khoẻ của trẻ tốt hơn. Đừng quên truy cập chuyên mục Sức khoẻ của Kinhnghiem360.edu.vn để được cập nhật thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích cho mình bạn nhé!