Vẫn biết tập luyện thể lực giúp tăng sức chịu đựng cho cơ thể, nhưng có những trường hợp không nên cố quá vì rất có thể bạn đang gặp một vấn đề thực sự nghiêm trọng. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu về những cơn chóng mặt khi tập luyện mà rất nhiều người trong chúng ta đã từng gặp phải nhé!
Khi tập luyện với cường độ cao, cơ thể sẽ xuất hiện nhiều dấu hiệu “lạ thường” đôi lúc khiến chúng ta lo lắng và tự hỏi liệu có vấn đề gì nghiêm trọng hay không. Trong khi một số hiện tượng như đau nhức cơ được xem là bình thường và có tác dụng tốt đối với phát triển cơ bắp, thì những triệu chứng khác có thể là dấu hiệu đáng lo ngại và cần được xử trí đúng cách, chẳng hạn như hoa mắt chóng mặt.
Trên thực tế, cảm giác chóng mặt có thể là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất nhưng cũng rất khó để chẩn đoán chính xác vì có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Nếu bạn đã hoặc đang gặp phải tình trạng chóng mặt sau khi tập luyện và muốn biết nguyên nhân để tìm cách khắc phục thì trước tiên hãy cùng tìm hiểu xem “chóng mặt” là như thế nào nhé.
Chóng mặt khi tập luyện là như thế nào?
Có hai kiểu chóng mặt mà bạn có thể gặp phải trong lúc tập luyện hoặc sau khi tập xong, đó là cảm giác choáng váng và chóng mặt thực sự.
Choáng váng
Sau một buổi tập nặng, bạn có thể sẽ cảm thấy hơi choáng nhẹ, hay có người gọi là xây xẩm hoặc cảm giác “nhẹ đầu” lâng lâng. Đặc biệt nếu buổi tập có những động tác nhanh và mạnh như bật nhảy hay chạy nước rút thì càng dễ gây ra hiện tượng này.
Tuy vậy kể cả những người tập luyện với cường độ vừa phải cũng đôi khi thấy choáng váng hoặc lơ mơ như muốn ngất xỉu. Ngoài ra cảm giác mất thăng bằng hoặc đứng không vững cũng là biểu hiện thường gặp của dạng “chóng mặt” này.
Nhìn chung choáng váng do tập luyện thường không phải là vấn đề nghiêm trọng. Cảm giác này có thể tự biến mất khi bạn ngồi nghỉ vài phút và uống thêm một ít nước chậm rãi từ từ.
Chóng mặt thực sự
Cảm giác chóng mặt đúng nghĩa thường thể hiện dưới dạng quay tròn, khi đó bạn có thể cảm thấy như bản thân mình bị lắc lư qua lại hoặc trời đất quay cuồng rất khó chịu. Thậm chí chóng mặt ở mức độ nặng có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn và đứng không vững.
Trong khi choáng váng xây xẩm là hiện tượng không hiếm gặp khi tập luyện với cường độ cao thì chóng mặt thực sự có thể là triệu chứng nghiêm trọng đáng lo ngại. Đặc biệt nếu chóng mặt đi kèm với các dấu hiệu khác như thay đổi về thị giác, đầu óc mơ màng, yếu cơ hoặc đứng không vững thì bạn nên tìm đến các nhân viên y tế ngay lập tức.
Chóng mặt khi tập luyện có nguyên nhân do đâu?
Do bản thân việc tập luyện quá căng thẳng
Trường hợp này thường xảy ra khi bạn tập luyện căng thẳng trong thời gian dài, hệ hô hấp và tuần hoàn không cung cấp đủ oxy cho não, từ đó gây ra cảm giác choáng váng.
Để giải quyết tình trạng này bạn nên chú ý tới hơi thở của mình, hít thở sâu và đều đặn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về phương pháp hít thở đúng cách trong bài viết: Phương pháp hít thở khi tập luyện: Tưởng đơn giản mà không hề giản đơn!
Ngoài ra cũng nên thực hiện các động tác thả lỏng và “làm nguội” cường độ thấp sau khi kết thúc buổi tập, tiếp theo hãy ngồi nghỉ vài phút và uống nước từ từ để bù nước cho cơ thể.
Do các yếu tố trong lối sống
Những tác nhân này bao gồm thói quen ăn uống, giấc ngủ, các loại đồ uống có cồn và chất kích thích khác, các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng,…
Đặc biệt khi bạn vừa thay đổi một vài hành vi nào đó trong lối sống hằng ngày của mình một cách đột ngột thì sẽ khiến cơ thể phản ứng lại, những phản ứng này được thể hiện rõ hơn trong quá trình tập luyện thể chất căng thẳng và cuối cùng gây ra cảm giác chóng mặt.
Lời khuyên cho bạn trong trường hợp này là không nên tập quá nặng nếu hôm trước vừa đi chơi khuya, ngủ không ngon giấc hoặc ăn uống thất thường. Ngược lại, trước khi bước vào một buổi tập cường độ cao hãy lên kế hoạch cẩn thận: ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý cả trước và sau khi tập. Nếu đang dùng thuốc để trị bệnh thì hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi lên kế hoạch tập luyện nhé.
Chóng mặt do mất nước
Cơ thể mất nước nhiều có thể gây chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Giải pháp cho vấn đề này không chỉ là bổ sung đủ nước trong quá trình tập luyện mà cần phải làm điều đó ngay từ trước khi tập.
Nếu thực hiện các bài tập khiến bạn toát mồ hôi mà trước đó cơ thể đã không đủ nước thì sẽ càng làm nặng thêm tình trạng mất nước và dẫn đến nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe. Đặc biệt sau khi tập nặng nên dùng những loại nước có bổ sung chất điện giải. Bạn có thể tìm mua các loại nước uống thể thao bổ sung điện giải tại đây.
Đây cũng là lý do vì sao bạn không nên tập luyện sau một bữa tiệc nhậu nhiều rượu bia, bởi chất cồn có tác dụng lợi tiểu khiến cơ thể thải nước nhiều hơn.
Chóng mặt do hạ đường huyết
Lượng đường trong máu hạ thấp có thể gây ra cảm giác chậm chạp, lờ đờ, mệt mỏi, run tay chân, yếu cơ hoặc buồn nôn. Để phòng ngừa nguyên nhân này, bạn nên ăn nhẹ trước khi tập khoảng 1 đến 2 tiếng, đừng tập khi bụng đói và tốt nhất là hãy thủ sẵn vài viên kẹo ngọt để nhấm nháp khi đói.
Các nguyên nhân khác có thể gây chóng mặt
Cảm giác choáng váng có thể trở nên nghiêm trọng hơn do các nguyên nhân như viêm xoang, cảm lạnh, dị ứng, tâm trạng căng thẳng hoặc lo lắng,… Ngoài ra choáng váng thoáng qua cũng có thể là biểu hiện của tình trạng hạ huyết áp tư thế, xảy ra khi thay đổi tư thế một cách đột ngột.
Khi nào thì chóng mặt sau tập luyện trở thành vấn đề đáng lo ngại?
Nhìn chung bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn nếu cảm thấy chóng mặt liên quan đến việc tập luyện. Đặc biệt nếu hiện tượng này xảy ra thường xuyên thì hãy theo dõi sát và ghi lại chi tiết những triệu chứng mà mình cảm nhận được cũng như ngày giờ xảy ra.
Chóng mặt khi tập luyện cường độ nhẹ là hiện tượng không bình thường, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem bạn có mắc một vấn đề nào đó gây ra triệu chứng này hay không, chẳng hạn như hen suyễn do tập luyện thể lực. Mặc dù dạng hen suyễn này thường biểu hiện triệu chứng khó thở và nặng ngực nhưng các dấu hiệu nhẹ như choáng váng lại thường bị bỏ qua.
Chóng mặt khi tập nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tim, đặc biệt là rối loạn nhịp tim. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do bất thường cấu trúc bẩm sinh của tim, các bệnh mắc phải, hoặc rối loạn điện giải. Đặc biệt cần lưu ý có những dạng rối loạn nhịp tim chỉ biểu hiện khi tập luyện thể lực mà không có dấu hiệu nào trong lúc nghỉ ngơi.
Nếu đã duy trì thói quen sinh hoạt điều độ và chuẩn bị kỹ càng cho buổi tập mà bạn vẫn bị chóng mặt thì hãy đến gặp bác sĩ. Tại phòng khám bạn sẽ được kiểm tra về chức năng của tim phổi có hoạt động tốt hay không, ngoài ra bác sĩ cũng có thể cho bạn làm xét nghiệm để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý tiềm ẩn khác.
Đó là những lưu ý cơ bản về hiện tượng chóng mặt liên quan đến tập luyện thể dục thể thao. Hãy chú ý lắng nghe cơ thể mình và tự chăm sóc bản thân một cách khoa học bạn nhé!
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!