Có phải chúng ta đang “ăn nhựa” mỗi ngày? Vi nhựa là gì và gây hại cho sức khỏe ra sao?

Rác thải nhựa gây ô nhiễm và làm hại môi trường, nhưng bạn có biết chính bản thân mình cũng có thể đang “ăn” rất nhiều hạt vi nhựa mỗi ngày? Vậy vi nhựa là gì? Nó đến từ đâu, xâm nhập vào cơ thể chúng ta bằng cách nào? Và quan trọng nhất là vi nhựa có hại gì cho sức khỏe? Hãy cùng khám phá nhé!

Vi nhựa là gì?

Nhựa hay còn gọi là chất dẻo (plastic) là vật liệu hữu cơ được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày vì có nhiều ưu điểm như rẻ, bền, đẹp. Không giống như các hợp chất hữu cơ thông thường sẽ từ từ bị thối rữa và phân hủy hoàn toàn, nhựa có độ bền cực cao và chỉ bị phá vỡ thành các mảnh siêu nhỏ.

Vi nhựa là những mảnh nhựa có kích thước cực nhỏ (Ảnh: Internet).

Khi một hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm sẽ được gọi là vi nhựa, chúng được tạo ra khi những mảnh nhựa lớn bị phân giải tự nhiên hoặc khi đốt nhựa trong không khí. Bên cạnh đó vi nhựa còn được sản xuất trong các nhà máy công nghiệp để sử dụng trong một số lĩnh vực.

Các nhà khoa học đã tìm thấy vi nhựa ở khắp mọi nơi: trong biển sâu, trong băng tuyết ở hai cực Trái đất, đặc biệt là trong hải sản, muối ăn và nước uống – đây là trọng tâm của các nghiên cứu vì chúng liên quan đến sức khỏe con người.

Vi nhựa đã được phát hiện trong cơ thể con người

Phải chăng chúng ta đang "ăn nhựa" mỗi ngày mà không biết? (Ảnh: Internet).

Phải chăng chúng ta đang “ăn nhựa” mỗi ngày mà không biết? (Ảnh: Internet).

Rác thải nhựa kích thước lớn có thể làm hại sinh vật biển nếu chúng chẳng may nuốt phải, còn những mảnh nhựa siêu nhỏ có thể lơ lửng trong không khí và xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta hít thở, một số hạt thậm chí còn nhỏ đến mức có thể đi xuyên qua các màng trong phổi và ruột.

Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Y Vienna (Áo) và Cơ quan Môi trường Áo phát hiện vi nhựa đã xâm nhập vào cơ thể con người. Các nhà khoa học kiểm tra mẫu phân của 8 người từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới (Phần Lan, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Vương quốc Anh và Áo) để tìm sự hiện diện của 10 loại nhựa khác nhau.

Kết quả thật đáng kinh ngạc: đã phát hiện vi nhựa trong tất cả các mẫu phân được kiểm tra, thậm chí có mẫu còn chứa tới 9 loại nhựa với kích thước 50–500 micromet. Loại nhựa phổ biến nhất là polypropylene và polyethylene terephthalate. Tính trung bình, mỗi gam phân có chứa khoảng 20 hạt vi nhựa.

Vi nhựa có trong thức ăn của chúng ta? (Ảnh: Internet).

Mặc dù đây chỉ là một nghiên cứu quy mô nhỏ nhưng rất đáng quan tâm. Bác sĩ Philip Schwabl, thành viên trong nhóm nghiên cứu giải thích: “Đây là nghiên cứu đầu tiên về chuyện này và xác nhận điều mà chúng tôi đã nghi ngờ từ lâu, rằng nhựa cuối cùng sẽ vào đến ruột của con người.” Ông cũng cho biết kết quả này rất đáng lo ngại, nhất là đối với những bệnh nhân mắc bệnh về tiêu hóa.

Theo bác sĩ Schwabl, các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện nồng độ nhựa cao nhất là ở đường ruột và các hạt vi nhựa nhỏ nhất có thể xâm nhập vào máu, hệ bạch huyết, thậm chí có thể đến gan. “Bây giờ chúng ta đã có bằng chứng đầu tiên về vi nhựa bên trong con người, chúng ta cần nghiên cứu thêm để hiểu điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe con người.”

Vi nhựa xâm nhập vào cơ thể chúng ta bằng cách nào?

Muối

Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện có nhựa trong muối ăn, nhưng không rõ muối đó có nguồn gốc từ đâu. Một nghiên cứu năm 2018 được đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường đã kiểm tra hàm lượng nhựa trong nhiều loại muối ăn đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Vi nhựa đã được tìm thấy trong muối ăn (Ảnh: Internet).

Kết quả: các nhà khoa học đã phát hiện nhựa trong 25 trên tổng số 28 mẫu muối biển (tức là gần 90%), trong đó hàm lượng nhựa cao trong muối biển có nguồn gốc từ châu Á. Điều này cũng khớp với những phát hiện trước đây cho thấy châu Á là một điểm nóng đặc biệt về ô nhiễm rác thải nhựa.

Hải sản

Động vật biển có thể ăn phải rác nhựa do con người thải ra (Ảnh: Internet).

Rác thải nhựa đã làm ô nhiễm tất cả mọi thứ trong môi trường biển, bao gồm cả hải sản. Hải sản bị ô nhiễm là một trong hai con đường chính để vi nhựa xâm nhập vào cơ thể người, bên cạnh đường hô hấp.

Nước

Một số nghiên cứu phát hiện rằng cả nước uống đóng chai và nước từ vòi đều có thể là nguồn chứa vi nhựa, và mức độ độc hại của chúng phụ thuộc vào lượng nước đã uống.

Vi nhựa có thể xuất hiện trong nước uống (Ảnh: Internet).

Vi nhựa có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta không?

Như vậy nhựa luôn có mặt rất nhiều xung quanh chúng ta và thậm chí ở trong cơ thể, nhưng nó có ảnh hưởng gì đối với sức khỏe? Vấn đề này vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Đã có một số nghiên cứu về tác động của vi nhựa đối với sức khỏe, đa số là ở động vật hoặc tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Một nghiên cứu năm 2017 đã phát hiện: khi cho chuột ăn vi nhựa, các hạt này sẽ tích tụ trong gan, thận và ruột. Kết luận tổng quát là “việc tiếp xúc với vi nhựa có thể gây rối loạn chuyển hóa năng lượng và lipid, gây ra stress oxy hóa và bao gồm các phản ứng nhiễm độc thần kinh”.

Vi nhựa tiềm ẩn trong thức ăn hằng ngày (Ảnh: Internet)

Một nghiên cứu mới trong năm 2021 được đăng trên Tạp chí Vật liệu Nguy hiểm (Journal of Hazardous Materials) được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Vương quốc Anh cho thấy: chúng ta đang tiêu thụ vi nhựa ở mức độ đủ để gây ra các tác động có hại đối với tế bào, có thể dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe.

Cụ thể, nghiên cứu này tìm hiểu 5 tác động của vi nhựa đối với tế bào người:

  • Sự chết tế bào
  • Phản ứng miễn dịch của tế bào
  • Khả năng xuyên qua màng tế bào
  • Mức độ tổn thương tế bào
  • Khả năng thay đổi cấu trúc di truyền tế bào

Kết quả phân tích cho thấy 4 tác động đầu tiên đã thực sự xảy ra.

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết rõ về ảnh hưởng của vi nhựa sau khi xâm nhập vào cơ thể người, ví dụ như tỷ lệ vi nhựa bị giữ lại trong cơ thể là bao nhiêu, chúng có thể đi xuyên qua ruột để vào máu hay không, hay sẽ bị thải ra ngoài. Những yếu tố đó đều ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của vi nhựa đối với sức khỏe.

Tổng kết

Nghiên cứu đã cho thấy có rất nhiều vấn đề liên quan đến vi nhựa và những tác động tiềm ẩn của chúng vẫn chưa được hiểu hết. Hiện tại ô nhiễm rác thải nhựa và vi nhựa sẽ tiếp tục gia tăng khi mức độ sản xuất và sử dụng nhựa trên toàn thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *