Nguyên nhân đi tiêu ra máu ở trẻ: Cực kỳ cảnh giác những bệnh lý nguy hiểm

Hiện tượng đi cầu ra máu ở trẻ em không phải là tình trạng hiếm gặp và có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh nguy hiểm ở hệ tiêu hóa. Các bậc phụ huynh cần lưu ý và đưa trẻ đi khám sớm nhất để kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ. Hôm nay, hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu kỹ hơn những mặt bệnh có thể gây đi tiêu ra máu ở trẻ.

1. Hội chứng lỵ

Hội chứng lỵ là khi trẻ có dấu hiệu:

  • Tiêu phân nhầy máu
  • Đau bụng: bé đau mỗi lần đi tiêu, khi chưa biết nói, bé sẽ biểu hiện bằng cách quấy khóc mỗi lần đi tiêu
  • Mót rặn: đi tiêu phân lượng ít, cảm giác đi tiêu chưa hết phân

Hội chứng lỵ có thể làm trẻ quấy khóc nhiều (Ảnh: Internet).

Hội chứng lỵ điển hình gây ra bởi vi khuẩn Shigella, thường được gọi là bệnh lỵ trực trùng. Bệnh xảy ra phổ biến ở bé dưới 5 tuổi, thường gây sốt, khởi phát cấp tính và rầm rộ. Lúc đầu bé tiêu phân lỏng, vài giờ hay vài ngày sau đó bắt đầu chuyển qua tiêu lắt nhắt, mót rặn, phân có máu (chất nhầy nhiều hơn máu), phân nhiều nước nên rất dễ làm bé mất nước, ảnh hưởng đến tổng trạng cơ thể. Cần ngay lập tức đưa bé đến bệnh viện để bù nước, cho kháng sinh và được hướng dẫn chăm sóc trẻ hợp lý.

Ngoài ra bệnh lỵ có thể được gây nên bởi amip, hay Entamoeba histolytica, là một loại ký sinh trùng sống trong đại tràng của chúng ta. Tại Việt Nam, ký sinh trùng này rất phổ biến ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long do thói quen sử dụng cầu tiêu ao cá tạo điều kiện thuận lợi để chúng tồn tại.

Bệnh lỵ amip biểu hiện khá giống bệnh lỵ trực trùng nhưng thời gian ủ bệnh dài hơn (có thể đến vài tháng), triệu chứng ít rầm rộ hơn và có thể chữa khỏi mà không để lại di chứng.

Hãy chú ý những biểu hiện bất thường của trẻ khi đi tiêu để phát hiện bệnh sớm (Ảnh: Internet).

2. Lồng ruột

Lồng ruột là một tình trạng cấp cứu ở trẻ nhỏ, thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và bụ bẫm. Hiện tượng này xảy ra nhiều hơn ở trẻ nam, thường xuất hiện vào những đợt trẻ bị nhiễm vi khuẩn hay virus đường ruột.

Hiện tượng lồng ruột thường gặp ở trẻ nhỏ (Nguồn: Internet)

Lồng ruột cần được phát hiện và can thiệp ngoại khoa để tháo lồng khẩn cấp, nếu không sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ. Vì vậy các bậc cha mẹ cần phát hiện và đưa con đến bệnh viện sớm khi có những triệu chứng sau đây:

  • Đau bụng: cơn đau bụng của lồng ruột rất điển hình. Phụ huynh cần nghi ngờ khi thấy con đang chơi thì tự dưng khóc thét đột ngột, kéo dài tầm 1-2 phút, sau đó đột nhiên ngừng khóc. Khoảng 15–20 phút sau thì lại có một cơn đau bụng đột ngột như vậy, lặp đi lặp lại nhiều lần.
  • Nôn ói: em bé nôn ói nhiều, có thể ói ra những thứ vừa mới ăn vào.
  • Tiêu phân ra máu: bé đi cầu ra máu nhiều lần trong vòng 24 giờ, có thể là máu đỏ tươi hoặc máu bầm. Nhưng đây là triệu chứng muộn, không nên để trẻ tiêu máu mới đưa trẻ đến bệnh viện.

3. Táo bón, nứt rách hậu môn

Khi trẻ táo bón, phân nằm lại trong lòng đại tràng một thời gian dài, đại tràng sẽ hấp thụ nước trong phân, làm phân trở nên cứng và to, khi đi tiêu phân sẽ cọ xát với hậu môn, làm hậu môn căng ra, có thể bị nứt rách và gây chảy máu dính phân.

Táo bón có thể khiến trẻ rất đau khi đi tiêu (Ảnh: Internet).

Nguyên nhân nào khiến trẻ bị táo bón?

  • Thói quen nhịn đi tiêu.
  • Cho ăn thức ăn đặc một cách đột ngột khi trẻ tập ăn dặm.
  • Chế độ ăn thiếu chất xơ.

Khi nào biết trẻ bị táo bón? Chúng ta cần căn cứ vào số lần đi tiêu của trẻ, với số lần đi tiêu như sau thì nghi ngờ trẻ bị táo bón:

  • Sơ sinh: ít hơn 2 lần/ngày
  • Bú mẹ: ít hơn 3 lần/tuần
  • Trẻ lớn: ít hơn 2 lần/tuần

Nứt kẽ hậu môn táo bón kéo dài (Nguồn: Internet)

Đối với trẻ táo bón, đưa trẻ đến bệnh viện là việc không cần thiết vì chúng ta có thể khắc phục táo bón cho trẻ tại nhà bằng cách:

  • Đối với trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú thay vì lạm dụng sữa công thức, vì sữa mẹ có chứa thành phần cân bằng chất béo và protein, chất xơ, nước… Đối với trẻ lớn hơn cần cho ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước, nếu trẻ không chịu ăn rau có thể thay bằng trái cây có tính nhuận trường như bưởi hay lê.
  • Cho trẻ vận động nhiều như chạy bộ, bơi lội, đá bóng sẽ giúp cải thiện tình trạng táo bón.
  • Bỏ dần thói quen nhịn đi tiêu.

4. Viêm ruột hoại tử

Viêm ruột hoại tử chủ yếu xảy ra ở trẻ non tháng hoặc trẻ sơ sinh bị bệnh, có hiện tượng hoại tử ở lớp niêm mạc ruột hoặc sâu hơn. Đây là tình trạng cấp cứu đường tiêu hóa rất thường gặp ở trẻ sơ sinh.

Viêm ruột hoại tử (Nguồn: Internet)

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây viêm ruột hoại tử, có thể là do tình trạng thiếu máu cục bộ gây phá hủy lớp niêm mạc của ruột, làm tăng tính thấm của ruột dẫn đến vi khuẩn xâm nhập vào nơi tổn thương.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm ruột hoại tử ngoài đẻ non còn có:

  • Viêm màng ối ở người mẹ do vỡ ối kéo dài
  • Trẻ bị ngạt lúc sinh
  • Trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai
  • Trẻ có bệnh tim bẩm sinh
  • Trẻ được thay máu

Các dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị viêm ruột hoại tử là:

  • Trẻ khó bú, sau khi bú có thể ói ra dịch mật màu xanh hoặc dịch dạ dày có máu.
  • Chướng bụng hoặc có máu trong phân
  • Trẻ có thể bị nhiễm khuẩn huyết: lừ đừ hoặc hôn mê, tăng hoặc hạ thân nhiệt, có cơn ngưng thở kéo dài hơn 20 giây, thở nhanh sâu.

Trên đây là những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ đi tiêu ra máu. Các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian chăm sóc và chú ý đến trẻ để có thể phát hiện được những triệu chứng bất thường, từ đó nhanh chóng xử trí, giúp trẻ phát triển và trưởng thành khỏe mạnh hơn.

  • Trẻ nhỏ chậm mọc răng do nguyên nhân gì? Có phải là dấu hiệu đáng lo?

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *