Dị vật đường thở là một cấp cứu thường gặp, nếu không chẩn đoán, xử lý kịp thời, người bệnh có thể nhanh chóng tử vong. Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu để biết các dấu hiệu của dị vật đường thở và cách sơ cứu sao cho đúng, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra nhé!
Dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là trẻ em. Theo tác giả Chevalier – Jackson: “87% trường hợp dị vật đường thở là ở trẻ em”. Cụ thể, ở Việt Nam, dị vật đường thở chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tập trung vào độ từ 1 đến 3 tuổi.
Dị vật đường thở bao gồm dị vật thanh quản, dị vật khí quản hoặc dị vật phế quản. Theo thống kê của bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương: 44% là dị vật phế quản, 36,5 % là dị vật thanh quản, 19% dị vật mắc ở khí quản.
Các dị vật đường thở hay gặp và nguyên nhân mắc dị vật đường thở
Các dị vật đường thở hay gặp
Dị vật đường thở được chia làm 3 nhóm. Cụ thể:
- Dị vật nguồn gốc động vật: Xương, thịt, cua, tôm, có thể là dị vật sống (hay gặp như con tắc te với người có thói quen uống nước suối).
- Dị vật có nguồn gốc thực vật: Hạt lạc, hạt dưa, hạt na,…
- Dị vật là chất vô cơ: các mảnh đồ chơi
Nguyên nhân mắc dị vật đường thở
- Bệnh nhân đang ngậm gì đó trong miệng, đột ngột hút mạnh, dị vật theo luồng không khí mạnh rơi vào đường thở.
- Cười đùa trong khi ăn uống.
- Các tai biến do thủ thuật, phẫu thuật.
- Dị vật có thể gặp khi cho trẻ em ăn, uống thuốc (Bịt mũi trẻ bắt nuốt thức ăn hoặc ném thuốc vào họng vì sợ đắng đều là những thói quen có thể gây dị vật đường thở).
Dấu hiệu mắc dị vật đường thở
Điển hình khi mắc dị vật đường thở đó là có hội chứng xâm nhập. Hội chứng là biểu hiện của 2 phản xạ co thắt (phản xạ nhằm cản không cho dị vật đi xuống dưới) và phản xạ ho (mục đích tống dị vật ra ngoài).
Hội chứng xâm nhập: những cơn ho sặc sụa, khó thở, mặt đỏ hoặc tím tái, trợn mắt, vã mồ hôi. Thời gian kéo dài khoảng 1 đến 2 phút. Sau đó trẻ có thể bình thường hoặc khó thở tùy vị trí mắc dị vật. Khi dị vật mắc lại có thể gây diễn biến bất ngờ, khó lường. Vì thế, nếu phát hiện con ăn, hít, nuốt dị vật hoặc có biểu hiện của hội chứng xâm nhập, dù sau đó có bình thường trở lại, phụ huynh cũng cần hết sức chú ý đưa con đi kiếm tra ngay để đảm bảo an toàn.
Sơ cứu dị vât đường thở ban đầu
Dị vật đường thở có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được sơ cứu đúng cách. Chính về thế, những nội dung sơ cứu sau đây vô cùng quan trọng, bất kì ai cũng nên nhớ, vì khi gặp tình huống bạn nhất định cần ứng biến rất nhanh và chính xác.
- Nếu người mắc không có dấu hiệu ngạt thở: Tránh mọi kích thích, nhanh chóng chuyển đến bệnh viện gần nhất để chuyên gia xử lý.
- Nếu ngạt thở do chất lỏng ở trẻ nhỏ: Nhanh chóng, cầm 2 cổ chân của em nhỏ bị ngạt đưa lên cao, dốc ngược đầu trẻ xuống dưới, tay kia vỗ mạnh vào lưng để trẻ khóc lên được thành tiếng, điều đó sẽ cắt đứt được phản xạ co thắt thanh quản đe dọa tính mạng trẻ.
- Tuyệt đối tránh: đưa tay móc họng trẻ để nhằm lấy dị vật ra, động tác này có thể gây nguy hiểm cho trẻ vì làm dị vật tuột xuống sâu hơn.
- Nếu có dấu hiệu ngạt thở: Phải làm nghiệm pháp Heimlich (theo ngôn ngữ Y khoa).
- Nghiệm pháp Heimlich tư thế đứng, trẻ lớn hoặc người lớn, người bệnh hơi ngả đầu ra phía trước: Người cấp cứu đứng sau lưng của bệnh nhân, cho lưng bệnh nhân tựa vào ngực người cấp cứu, đưa tay ra trước, đặt vào vùng thượng vị (dưới xương ức) của bệnh nhân, ép mạnh vào vùng thượng vị bệnh nhân theo từng nhịp, theo hướng từ dưới lên trên, có thể làm nhiều lần, 4-5 cái một lần.
- Nghiệm pháp Heimlich tư thế nằm, trẻ >1 tuổi: Bệnh nhân bị hóc dị vật đường thở cần ở tư thế nằm ngửa, đầu thấp (tránh việc kê chăn, kế gối dưới đầu,…) đầu nghiêng qua một bên. Người cấp cứu dùng 2 bàn tay chồng lên nhau, để vào vùng thượng vị (ngay dưới xương ức) của bệnh nhân, ấn mạnh vào vùng thượng vị theo hướng đầu bệnh nhân, làm từng nhịp đều đặn để ép phổi, 4-5 cái một lần.
- Nếu người bệnh nằm sấp (trẻ Đặt trẻ nằm trên cánh tay trái, trẻ nằm sấp, đầu thấp. Người cấp cứu dùng tay trái giữ chặt đầu và cổ trẻ. Dùng gót tay phải, vỗ thật mạnh vào vị trí giữa hai bả vai trẻ 5 cái. Sau khi đã thực hiện động tác trên, lật ngửa trẻ sang tay phải xem trẻ còn khó thở không, nếu còn, hãy dùng tay bên trái, tiếp tục ấn mạnh vào vùng dưới xương ức để mục đích tống dị vật ra. Động tác luôn phiên này có thể thực hiện 5-6 lần. Đồng thời hãy gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến viện ngay sau đó.
Bạn cần chú ý, nếu bạn làm nghiệm pháp Heimlich 3 lần không có kết quả gì, phải nhanh chóng hô hấp nhân tạo, cung cấp oxy cho người bệnh rồi chuyển lên tuyến chuyên khoa kịp thời. Nhưng nhất định cần chú ý trước khi chuyển bệnh nhân đi, người bệnh cần được theo dõi sát, đảm bảo oxy.
Đừng quên tiếp tục theo dõi và ủng hộ chuyên mục Sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn bạn nhé!