Stress là một vấn đề phổ biến mà tất cả mọi người đều gặp phải. Tác hại của stress gây ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống của cơ thể bao gồm hệ cơ xương khớp, hô hấp, tim mạch, nội tiết, tiêu hóa, thần kinh và sinh sản. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!
Stress là gì?
Stress là một phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với những trải nghiệm trong cuộc sống, thường xuất hiện khi ta phải đối mặt với một áp lực nào đó. Tất cả mọi người đều có thể bị stress bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ những vấn đề hàng ngày trong công việc hay gia đình; tới những sự kiện mang tính chất nghiêm trọng hơn như bệnh tật, tai nạn, mất đi một người quan trọng đều có thể gây ra sự căng thẳng.
Về ngắn hạn, stress cũng có những lợi ích nhất định. Trạng thái căng thẳng giúp chúng ta đối mặt tốt hơn với những vấn đề trong cuộc sống, tăng khả năng tập trung và khả năng ra quyết định. Thêm vào đó, stress là trạng thái cần thiết cho sự phát triển, bởi chỉ khi ở trong áp lực, con người mới có sự tiến bộ.
Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài và mức độ căng thẳng tăng cao có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe của bạn.
Tác hại của stress tới hệ thống thần kinh và nội tiết trung ương
Hệ thần kinh trung ương điều khiển toàn bộ hoạt động sống của cơ thể. Khi stress, não sẽ phát tín hiệu yêu cầu tuyến thượng thận giải phóng các hormone gây căng thẳng adrenaline và cortisol. Những hormone này sẽ thúc đẩy tim đập nhanh hơn để bơm máu tới các cơ quan quan trọng.
Khi cảm giác căng thẳng hoặc sợ hãi biến mất, não sẽ ra lệnh cho tất cả các hệ thống hoạt động bình thường trở lại. Nếu không, các phản ứng này vẫn sẽ được tiếp tục, lâu ngày dẫn đến tình trạng căng thẳng mạn tính. Một số biểu hiện của căng thẳng mạn tính gồm có:
- Cáu gắt
- Lo lắng
- Đau đầu
- Mất ngủ
- Trầm cảm
Stress làm ảnh hưởng tới hệ hô hấp và tuần hoàn
Khi cơ thể ở trong trạng thái căng thẳng, hơi thở của bạn trở nên gấp gáp hơn. Nếu bạn đã có tiền sử bệnh về hô hấp như hen suyễn hay phổi tắc nghẽn mãn tính thì việc hô hấp càng trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, tim của bạn cũng phải hoạt động với cường độ cao hơn. Các hormone gây căng thẳng cũng làm cho mạch máu của bạn thu hẹp lại, khiến máu khó lưu thông hơn. Điều này buộc tim phải đập nhanh hơn để giúp máu đi tới được các cơ quan, từ đó dẫn tới chứng huyết áp cao.
Và kết quả tất yếu là tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ khiến tim của bạn phải làm việc quá sức trong thời gian dài. Dẫn đến tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch như suy tim, đau tim hay đột quỵ.
Stress ảnh hưởng tiêu cực tới hệ tiêu hóa
Dưới tác động của stress, gan của bạn sẽ giải phóng một lượng đường đáng kể (glucose) vào máu, mục đích là bổ sung năng lượng cho các tế bào. Tuy nhiên với người bị căng thẳng mạn tính thì cơ thể của họ dần sẽ quen với lượng đường huyết cao, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Dạ dày của bạn cũng phải chịu những tác động bởi sự tăng tiết acid dịch vị, gây ra chứng ợ nóng hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Stress cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa, gây cảm giác buồn nôn, nôn và đau dạ dày…
Mặc dù không trực tiếp gây viêm loét dạ dày, nhưng căng thẳng kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh này và khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
Ảnh hưởng tới hệ cơ, làm căng cơ và gây ra những cơn đau kéo dài
Căng thẳng là trạng thái khi chúng ta đối mặt với áp lực, vì vậy các cơ bắp sẽ căng cứng để bảo vệ cơ thể. Khi chúng ta thư giãn, cơ bắp sẽ thả lỏng. Nhưng nếu cơ thể luôn trong trạng thái căng thẳng thì cơ chế này sẽ gây ra những cơn đau đầu, đau vai và lưng và tệ hơn là cảm giác đau toàn thân.
Stress ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và giảm ham muốn tình dục
Stress gây ảnh hưởng tới cả sức khỏe và tinh thần của chúng ta, vì vậy cũng không lạ nếu nó cũng làm giảm ham muốn tình dục.
Đối với nam giới, stress có thể giúp làm tăng lượng hormone nam testosterone. Nhưng căng thẳng kéo dài sẽ gây tác dụng ngược lại: mức testosterone giảm xuống và duy trì ở mức thấp trong thời gian dài sẽ gây ra chứng rối loạn cương dương, liệt dương, xuất tinh sớm. Bên cạnh đó là nguy cơ viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn.
Đối với nữ giới, stress tác động trực tiếp tới chu kì kinh nguyệt, gây loạn kinh, mất kinh, đau bụng kinh… Một số trường hợp còn dẫn đến hiện tượng mãn kinh sớm.
Căng thẳng kéo dài gây suy giảm hệ miễn dịch
Tác động tức thời của stress là kích thích hệ miễn dịch làm việc với cường độ cao, giúp cơ thể chữa lành vết thương nhanh chóng hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Nhưng giống như chúng ta vẫn nói: “cố quá thì quá cố”. Hệ miễn dịch thường xuyên bị kích thích quá mức sẽ bị suy yếu dần và phản ứng chậm chạp hơn với các tác nhân gây bệnh. Những người bị căng thẳng mạn tính thường dễ ốm vặt như cảm, cúm, nhiễm trùng, sốt virus…
- Stress – mối hiểm họa đã “giết chết” bạn như thế nào?
Đừng quên theo dõi chuyên mục Sức khỏe tại Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!