Xử lý khi trẻ bị sốt cao co giật: Không khéo có thể dẫn tới động kinh

Sốt cao co giật là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, đa phần đều lành tính, nhưng nếu chăm sóc không tốt hoặc để tái diễn nhiều có thể dẫn tới động kinh. Kinhnghiem360.edu.vn sẽ hướng dẫn cách xử trí khi trẻ bị sốt cao co giật nhằm hạn chế tổn thương, cùng tham khảo nhé!

Sốt cao co giật là phản ứng bình thường của cơ thể khi thân nhiệt tăng quá nhanh. Đây là hiện tượng lành tính, không gây nguy hiểm nếu chỉ xảy ra 1 – 2 lần.

Tuy nhiên, não bộ của trẻ rất nhạy cảm và chưa phát triển toàn diện. Nếu co giật lặp đi lặp lại có nguy cơ làm tổn thương não, tạo thành phản xạ có điều kiện. Ở những lần sốt sau, chỉ cần nhiệt độ tăng nhẹ cũng có thể gây co giật cho trẻ. Nhiều lần hơn nữa có thể để lại di chứng động kinh rất nguy hiểm – tức là trẻ co giật cả khi không sốt.

Xử lý trẻ sốt cao co giật không tốt có thể để lại di chứng động kinh. (Nguồn: internet)

Xử trí trẻ bị sốt cao co giật như thế nào?

Hầu hết phụ huynh khi thấy con đột nhiên co giật đều hoảng sợ và không biết nên làm gì, thậm chí là xử trí sai cách. Trong trường hợp này cần bình tĩnh và làm theo các bước sau đây:

  • Nới lỏng cổ áo cho trẻ.
  • Nghiêng người trẻ sang một bên để đờm dãi trong cổ họng chảy ra ngoài.
  • Gối đầu thấp cho trẻ bằng mền, gối hoặc áo khoác.
  • Lấy các vật cứng, vật sắc nhọn ra xa.
  • Ngồi cạnh và quan sát trẻ đến khi cơn co giật kết thúc.
  • Chườm khăn ấm khắp cơ thể, nhất là vào vùng bẹn, nách để hạ nhiệt nhanh hơn.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Nên chọn paracetamol hoặc ibuprofen vì hai loại này tương đối an toàn và ít tương tác. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý phải cho trẻ uống đúng liều và đúng thời gian. Sau liều thứ nhất, nếu bé vẫn chưa hạ sốt cũng cần chờ đủ 4 tiếng sau để sử dụng tiếp vì quá liều có thể làm tổn thương dạ dày và gan thận. Rất nhiều cha mẹ vì sốt ruột mà vô tình gây hại cho con.
  • Đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra xem não bộ của bé đã bị ảnh hưởng hay chưa, từ đó có biện pháp điều trị tiếp theo.

Đưa con đi bệnh viện sau cơn co giật để kiểm tra não bộ. (Nguồn: internet)

Với những bé có nguy cơ tái phát cao hoặc đã bị sốt cao co giật nhiều lần, bác sĩ có thể kê thêm thuốc chống co giật trong thời gian ngắn. Việc sử dụng thuốc này đòi hỏi đúng liều lượng và giờ giấc. Bạn nên canh giờ cho con uống, tránh bỏ quên liều sẽ giảm hiệu quả điều trị.

Sai lầm trong cách xử trí trẻ sốt co giật mà hầu hết phụ huynh mắc phải

Đa phần cha mẹ khi thấy trẻ bị co giật tím tái, nhất là lần đầu tiên đều mắc phải những sai lầm sau:

  • Giữ chân tay trẻ: Điều này có thể gây gãy xương, trật khớp rất nguy hiểm vì các cơn co giật không gây nguy hại cho xương khớp, nên hãy để trẻ tự do đến khi bình thường.
  • Di chuyển cơ thể con: Tương tự, di chuyển trẻ sẽ dễ gây chấn thương. Bạn chỉ đưa trẻ đến nơi khác khi co giật xảy ra ở những vị trí nguy hiểm (cầu thang, mép giường,…)
  • Cho vật cứng vào miệng trẻ: Khi co giật, nguy cơ cắn vào lưỡi cực kỳ thấp. Các mẹ không nên đưa đũa cả hay bất kỳ vật cứng sắc nhọn nào vào trong miệng bé. Điều này có thể làm gãy răng hoặc chấn thương cơ hàm.
  • Để trẻ ngủ sau cơn: Sau khi co giật, trẻ có thể ngủ thiếp đi do mệt mỏi. Lúc này, bạn nên để con nghỉ ngơi, không lay gọi bé.

Để trẻ nghỉ ngơi sau cơn sốt cao co giật để sớm hồi phục. (Nguồn: internet)

Ngoài những lưu ý kể trên, cha mẹ cần hạ sốt sớm cho con vào những lần sốt sau. Bởi trên thực tế có bé chỉ sốt đến 38 độ đã bị co giật, vì vậy cần cho uống thuốc liều hạ sốt đầu tiên khi nhiệt độ lên trên mức 37,5 độ.

Xử trí khi trẻ bị sốt cao co giật không khó, quan trọng là cha mẹ cần giữ bình tĩnh và xử lý đúng như hướng dẫn. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho phụ huynh để cùng con yêu vượt qua những mốc khó khăn đầu đời. Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *