Tại sao bạn nên chơi nhạc cụ? Rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe!

Bạn có biết chơi một nhạc cụ nào đó không? Bạn có biết rằng chơi nhạc cụ mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể giống như một loại thuốc tự nhiên thần kỳ? Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn khám phá những lý do bạn nên chọn cho mình một nhạc cụ và tập chơi ngay hôm nay nhé!

Âm nhạc đã tốt, chơi nhạc còn tốt hơn

Âm nhạc là một trong những thứ gắn kết chúng ta kỳ diệu nhất. Một bài hát hay có thể khơi dậy cảm xúc mãnh liệt giữa những người hoàn toàn xa lạ, khiến chúng ta cùng đứng dậy nhảy múa, hay bắt nhịp cho hàng nghìn người cất tiếng hát cùng nhau. Mỗi nền văn hóa có phong cách âm nhạc riêng, nhưng nhịp điệu và các nốt nhạc dường như là ngôn ngữ chung mà tất cả mọi người đều có thể hiểu và đồng cảm.

Âm nhạc dường như có ẩn chứa phép màu (Ảnh: Internet).

Hầu hết chúng ta đều thích nghe nhạc, nhưng số người thực sự chơi được nhạc cụ chắc chắn là ít hơn rất nhiều. Học chơi bất kỳ nhạc cụ nào cũng đều là thử thách, nhưng rất đáng để thử. Có rất nhiều lợi ích khi chơi đàn và không chỉ dành riêng cho những tay chơi chuyên nghiệp. Ngoài việc rèn luyện kỹ năng thì chơi nhạc cụ còn có lợi cho sức khỏe cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc, thậm chí được ứng dụng để chữa bệnh.

Lợi ích của chơi nhạc cụ đối với thể chất

Bản thân việc chơi nhạc cụ đã là một hoạt động thể chất, và mức độ vận động nhiều hay ít tùy thuộc vào từng loại nhạc cụ nhất định.

Chơi nhạc có thể giúp ích cho sức khỏe rất nhiều (Ảnh: Internet).

Bạn có thể nhận thấy một số thay đổi về thể chất khi chơi, bao gồm:

Tập thể dục cho cơ bắp

Dù là ngôi sao nhạc rock chạy khắp sân khấu hay chỉ ngồi một chỗ nhẹ nhàng gảy đàn guitar, thì việc chơi nhạc cụ đều đòi hỏi phải sử dụng một số cơ bắp nhất định. Một số nhạc cụ cần vận động mạnh hơn và nhiều cơ bắp hơn, ví dụ như chơi trống có thể so sánh với một bài tập toàn thân và tác động vào tim mạch, làm cho nhịp tim tăng lên và kích thích lưu thông máu.

Tăng cường chức năng phổi

Ca sĩ và những người chơi nhạc cụ hơi (ví dụ như sáo, harmonica và kèn saxophone) đều phải hít thở sâu và học cách kiểm soát hơi thở của mình, kết quả là hệ hô hấp trở nên khỏe mạnh hơn.

Luyện thính giác tốt

Những người chơi nhạc lâu năm có thể phát triển khả năng cảm âm để nhận ra được các âm thanh nhất định trong môi trường ồn ào.

Giảm căng thẳng

Mặc dù stress chủ yếu là vấn đề về tinh thần nhưng nó cũng có thể tác động trực tiếp đến thể chất thông qua các hormone căng thẳng. Chơi nhạc có thể xoa dịu tâm trí và giảm stress rất hiệu quả.

Cải thiện kỹ năng vận động

Phần lớn các nhạc cụ đều đòi hỏi sự khéo léo, linh hoạt và tinh tế khi chơi. Khả năng vận động là yếu tố quan trọng đối với bất kỳ nhạc cụ nào, chẳng hạn như học cách di chuyển ngón tay nhanh gọn trên đàn guitar hoặc phối hợp chân và tay đồng thời khi chơi đàn piano.

Chơi piano phải phối hợp tay và bàn đạp chân (Ảnh: Internet).

Luyện tập lâu ngày sẽ giúp củng cố và cải thiện đáng kể khả năng vận động của cơ thể. Điều này đặc biệt có ích đối với trẻ em bị chậm phát triển vận động và những người đang trong quá trình phục hồi thể chất, ví dụ như sau tai nạn hoặc đột quỵ.

Chơi nhạc cụ có lợi cho trí não như thế nào?

Chơi nhạc có một số tác dụng rất thú vị đối với não. Mặc dù vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về chủ đề này, nhưng có vẻ như trong não của các nhạc công đã tạo ra các liên kết và đường dẫn truyền mới vốn không có trong não của người bình thường. Đây có thể là lý do giúp họ thường có điểm cao hơn khi làm bài kiểm tra về năng lực nhận thức. Chơi nhạc cụ thậm chí có thể giúp ích cho những người mắc một số vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Lợi ích của việc chơi nhạc cụ đối với tinh thần là:

Tăng tốc độ phản ứng

Vì khi chơi nhạc luôn phải giữ nhịp đều và chuyển động tay hoặc chân liên tục, bộ não phải đưa ra quyết định thật nhanh và chính xác.

Chơi guitar phải chạy ngón nhanh và chính xác (Ảnh: Internet).

Cải thiện trí nhớ

Có thể là vì phải nhớ cách chơi nhiều bản nhạc khác nhau, hoặc có thể do hình thành các đường dẫn truyền mới trong não, nhưng nói chung các nhạc công dường như có trí nhớ cao hơn mức trung bình của mọi người.

Tăng khả năng phối hợp

Bàn tay và các ngón tay phải hoạt động theo nhịp điệu đòi hỏi nhiều cử động phối hợp, và khả năng này dường như cũng có thể giúp ích cho các công việc khác trong cuộc sống.

Khả năng tập trung tốt hơn

Chơi nhạc cụ đòi hỏi phải có mức độ tập trung nhất định, nhưng cũng mang lại nhiều kích thích. Điều này có thể giúp ích cho những người mắc chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý).

Giảm căng thẳng

Âm nhạc là liều thuốc thư giãn và giảm căng thẳng hiệu quả (Ảnh: Internet).

Tất cả những người chơi nhạc dù chỉ vài phút hay nhiều năm đều có thể cảm nhận được điều này. Thật tuyệt vời khi được tự tay mình tạo ra những nốt nhạc và giai điệu có ý nghĩa, cảm giác thư giãn hơn hẳn so với nghe nhạc một cách thụ động.

Chống lại sa sút trí tuệ và chứng mất trí nhớ

Một điều thú vị của âm nhạc là tác động đối với trí nhớ và sa sút trí tuệ. Nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh Alzheimer có khả năng ghi nhớ âm nhạc và các thông tin liên quan đến nó tốt hơn những thứ khác. Điều này là do âm nhạc kích hoạt các phần của não ít bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh này.

Chơi nhạc là một cách tập thể dục cho bộ não rất hiệu quả (Ảnh: Internet).

Các chuyên gia cũng cho rằng những người chơi nhạc có thể giảm nguy cơ sa sút trí tuệ do sự gia tăng hoạt động của não và các đường dẫn truyền thần kinh liên quan đến kỷ luật khi chơi.

Chơi nhạc cụ có lợi ích đối với cảm xúc như thế nào?

Cảm xúc là trung tâm của âm nhạc. Các ca sĩ, nhạc sĩ và nhạc công đều dồn hết tâm huyết vào bản nhạc mà họ sáng tạo và biểu diễn, và không phải ngẫu nhiên mà những bài hát nhiều cảm xúc lại được mọi người yêu thích nhiều hơn. Chơi nhạc cụ có thể mang lại cảm xúc tích cực và giúp con người cảm thấy hạnh phúc hơn.

Tự thể hiện

Điều cần thiết đối với sức khỏe tinh thần là chúng ta phải có cơ hội bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình, được là chính mình. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.

Khi chơi nhạc, chúng ta được là chính mình (Ảnh: Internet).

Các vấn đề về tinh thần, hoàn cảnh sống và tính cách có thể làm cho chúng ta khó nói ra cảm xúc của mình. Trong khi đó nhạc cụ có thể trở thành phương tiện để mỗi người thể hiện bản thân thông qua âm nhạc.

Cảm giác đạt được thành tựu

Chơi nhạc cụ sẽ cho bạn cảm giác tuyệt vời giống như đã hoàn thành một “chiến tích” gì đó. Đối với một số người có thể là biểu diễn trước đám đông, trong khi những người khác chỉ cần chơi thành thạo một bản nhạc mới là sẽ cảm thấy sảng khoái như vừa chiến thắng chính mình. Điều này rất quan trọng đối với nuôi dưỡng và phát triển cảm xúc.

Kết bạn nhiều hơn

Chơi trong một ban nhạc hoặc dàn nhạc, hoặc chỉ đơn giản là tham gia các lớp học nhạc sẽ mở ra cơ hội để có thêm nhiều bạn bè mới.

Chơi nhạc giúp kết nối mọi người (Ảnh: Internet).

Các mối quan hệ xã hội rất quan trọng đối với tinh thần và cảm xúc của con người, ngoài ra khi chơi cùng nhau để tạo nên âm nhạc sẽ củng cố các mối quan hệ tích cực và giúp chúng ta học được các kỹ năng xã hội.

Điều hòa tâm trạng

Đây là tin vui đối với những người có cảm xúc thất thường, không ổn định. Chơi nhạc có thể giúp chúng ta cảm thấy phấn chấn hơn, thậm chí có thể trở thành phương pháp để đối phó với các cảm xúc tiêu cực như tức giận, thất vọng, lo lắng hoặc trầm cảm.

Chơi nhạc cũng có thể chữa bệnh?

Tổng hợp tất cả những lợi ích trên đây, chơi nhạc cụ có thể được sử dụng như liệu pháp điều trị một số bệnh. Nhiều người tin rằng âm nhạc có tác dụng chữa bệnh, và điều này có lẽ đúng nhất khi chúng ta tự chơi nó. Chơi nhạc có thể giúp ta thư giãn, giảm bớt căng thẳng lo lắng, và việc thể hiện bản thân thông qua chơi nhạc có thể giúp vượt qua những vấn đề khó khăn đang gặp phải.

Chơi nhạc được coi là một cách hỗ trợ điều trị (Ảnh: Internet).

Tác dụng này đã được y học công nhận. Không chỉ là một phương pháp hỗ trợ mới dựa trên niềm tin, liệu pháp âm nhạc đã được chứng minh hiệu quả đối với điều trị rối loạn tâm lý, phục hồi thể chất, rối loạn tâm trạng và các bệnh nhân có nhu cầu đặc biệt. Các nghiên cứu đã cho thấy liệu pháp âm nhạc có tác dụng đối với một số bệnh như tâm thần phân liệt, bệnh Parkinson và trầm cảm.

Nghiên cứu đang được tiến hành để sử dụng âm nhạc trong giao tiếp với bệnh nhân sa sút trí tuệ, và có một số bằng chứng cho thấy nó có thể làm chậm tốc độ suy giảm nhận thức. Vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu thêm, nhưng hiện tại có thể nói âm nhạc và đặc biệt là chơi nhạc có một vai trò nhất định đối với chăm sóc sức khỏe.

Như vậy lợi ích của việc chơi nhạc cụ là rất nhiều, và không cần phải trở thành nhạc công chuyên nghiệp thì mới cảm nhận được. Câu hỏi còn lại là: bạn còn chờ gì nữa? Hãy chọn một cây đàn guitar, đăng ký học piano hoặc thổi sáo. Hãy dùng âm nhạc để chăm sóc cơ thể mình ngay hôm nay!

Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *